Hiện nay, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của các địa phương trong tỉnh nằm trong vùng sản xuất đa canh, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi có mưa to kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng con nuôi thủy sản và gây thiệt hại cho người nuôi. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho diện tích NTTS, nhất là ở những vùng úng trũng, vùng có nguy cơ ngập úng cao trong mùa mưa bão đang là nhiệm vụ trọng tâm được ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nuôi thủy sản tích cực triển khai thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Tới, xã Hải Triều (Hải Hậu) kiểm tra mức độ an toàn của hệ thống quạt khí tại đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. |
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, năm 2020 diện tích NTTS của tỉnh ước đạt 16.300ha; đã hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung. Sản lượng thuỷ sản năm 2020 ước đạt 166.690 tấn, tăng 1,2 lần so với năm 2017, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 111.520 tấn, khai thác đạt 55.170 tấn; tỷ trọng thủy sản tăng từ 28,18% năm 2017 lên 32,63% năm 2020 trong tổng giá trị nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất NTTS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; khi mưa bão lớn, nhiều diện tích nằm trong vùng có nguy cơ ngập, tràn, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Như đợt mưa lũ tháng 10 năm 2017 làm cho hàng nghìn ha NTTS bị thiệt hại, nhiều diện tích tại các khu ven biển, ven sông bị ngập hoặc tràn bờ. Những diện tích bị ngập ước thiệt hại về kinh tế đến 70%, diện tích tràn bờ ước thiệt hại từ 30-50%. Tổng sản lượng thủy sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Chính vì thế, trong kế hoạch công tác phòng chống thiên tai, hàng năm của ngành Nông nghiệp và các địa phương đều có phương án cụ thể đối với vùng NTTS. Năm 2020 ngay từ đầu mùa mưa bão, các huyện, thành phố đều đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có phương án phòng, chống úng nội đồng. Các huyện ven biển đã tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng NTTS, hệ thống kênh, trạm bơm tiêu chống úng khu vực NTTS nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn xảy ra. Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, tu bổ, đắp áp trúc lại bờ ao, bờ vùng khu vực nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn, phát quang cây cối, tạo đường thoát nước mưa nhanh; đặt lưới chắn xung quanh bờ ao (độ cao 40-50cm, ghim sâu 20-30cm dưới mặt đất) để ngăn thủy sản thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa, lũ lớn, chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng; kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng; trong trường hợp lồng không thể di chuyển, cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng… Sở NN và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét hệ thống mương tiêu để bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời. Các địa phương tăng cường hướng dẫn ngư dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống…; hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, lũ nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi.
Huyện Xuân Trường hiện có trên 600ha NTTS. Các vùng NTTS trên địa bàn huyện chủ yếu tại các khu chuyển đổi ruộng trũng, vùng ven sông sang nuôi thủy sản. Các xã, thị trấn đã thực hiện quy hoạch các khu NTTS tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt với diện tích quy hoạch ha; trên địa bàn huyện có 50 lồng nuôi cá trên sông với tổng diện tích mặt nước gần 26 nghìn m2. Theo ông Nguyễn Văn Tung, đội 1, xã Xuân Châu lợi thế lớn nhất của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn động, ít bị ô nhiễm nên có thể thả các loại cá với mật độ cao; nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào hơn so với nuôi nội đồng nên cá lớn nhanh và ít bị bệnh, mỗi lồng chỉ rộng 36m2 nhưng ông thả tới 5.000-6.000 con. Với 24 lồng, ông dành 18 lồng nuôi cá thịt, còn lại ương cá giống. Trong hơn 2 năm qua, mặc dù vừa nuôi vừa đầu tư nhưng nuôi cá lồng đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên rủi ro lớn nhất đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông là ảnh hưởng của bão, lũ. Để bảo vệ sản xuất, các hộ nuôi cá lồng trên sông đã tích cực thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn… Tuy nhiên hiện nay điều kiện về cơ sở hạ tầng tại các vùng NTTS vẫn còn hạn chế nên luôn tiềm ẩn các rủi ro cho diện tích NTTS. Đối với các khu đa canh, hạ tầng không được đồng bộ nên việc bảo đảm an toàn cho vật nuôi khi có mưa, bão lớn khó khăn hơn nhiều. Qua đánh giá thực trạng cho thấy, những vùng NTTS ở khu vực ven sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi có mưa lớn kéo dài. Do đó, các hộ NTTS trong khu vực này cần quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn vùng sản xuất. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chủ đầm nuôi thủy sản cho rằng, việc bảo đảm an toàn, chống thất thoát sản lượng cho vùng nuôi thủy sản đang khó khăn, không chỉ trong mùa mưa, bão mà còn cả vấn đề an toàn dịch bệnh. Do tính chất sản xuất đa canh nên một số hộ dân vừa nuôi thủy sản vừa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả… trong khi nguồn lực đầu tư để xây dựng hạ tầng cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất đa canh, đa mục tiêu. Vì vậy, việc hình thành vùng NTTS tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp (đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi) để sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn với hạ tầng đồng bộ cần được các địa phương khuyến khích với những cơ chế phù hợp./.
Bài và ảnh: Văn Đại