Xác định cải cách hành chính (CCHC) là giải pháp thiết thực góp phần tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nên huyện Trực Ninh luôn chú trọng thực hiện đồng bộ các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và bám sát thực tiễn địa phương để nâng cao hiệu quả CCHC.
Cán bộ bộ phận “Một cửa” huyện Trực Ninh hướng dẫn người dân bổ sung thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện thực hiện nghiêm túc đề án vị trí việc làm, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã. UBND huyện thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra theo chuyên đề; kiểm tra, thanh tra công vụ; các cuộc kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, tạo chuyển biến tích cực về thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác CCHC. Đáng chú ý, huyện đã kiện toàn Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại UBND huyện. Trong đó: Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện phụ trách Bộ phận, 1 chuyên viên Văn phòng HĐND, UBND trực tiếp quản lý, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng, hệ thống mạng và 11 chuyên viên của 11 cơ quan chuyên môn thường trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Với quyết tâm từng bước hiện đại hóa nền hành chính, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương chú trọng nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh khai thác và sử dụng các phần mềm công nghệ nâng cao hiệu quả xử lý công việc, giải quyết TTHC. Hiện nay 21/21 xã, thị trấn đã xây dựng Trang thông tin điện tử. Cổng Thông tin điện tử của huyện đảm bảo vận hành thông suốt, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin địa phương, góp phần công khai minh bạch thông tin hoạt động của chính quyền, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo huyện. Huyện chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ trao đổi văn bản trong công việc. Toàn huyện đã cấp 359 tài khoản quản lý văn bản và điều hành cho cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn. Sau khi hoàn thành đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời cấp mới tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số trên trục liên thông quốc gia cho các cán bộ, lãnh đạo điều chuyển vị trí công tác để đảm bảo mọi công việc hành chính được giải quyết thông suốt trên môi trường mạng. Nhờ đó, 100% văn bản ở cấp huyện được lưu thông qua Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành (trừ văn bản mật) và hệ thống thư điện tử công vụ. Các văn bản từ tỉnh xuống huyện, từ huyện đến các cơ quan và xuống cơ sở đều được chuyển qua hệ thống trục liên thông quốc gia và ngược lại. Đến nay 100% các cơ quan chuyên môn, 5 xã, thị trấn đã tự công bố, thực hiện đầy đủ việc duy trì Hệ thống quản lý thông qua đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo. UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường thực hiện giao dịch hành chính ở mức độ 3 và hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân được biết và khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Để phục vụ yêu cầu cải cách thể chế, đơn giản hóa TTHC, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tiếp tục tham mưu thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường trách nhiệm tự kiểm tra văn bản và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, chú trọng các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, các văn bản được ban hành đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo nội dung, hình thức, thể thức, thẩm quyền, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện trên tất cả các lĩnh vực. Các phòng, ban của huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, tỉnh kịp thời, hiệu quả. Văn phòng HĐND, UBND huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát, thay thế các TTHC không còn phù hợp, hết hiệu lực. Huyện đã cập nhật bổ sung và công khai 227 TTHC trên 10 lĩnh vực: Tư pháp 31 thủ tục, Công Thương 25 thủ tục, LĐ-TB và XH 39 thủ tục, Tài chính - Kế hoạch 26 thủ tục, Văn hóa - Xã hội 24 thủ tục, NN và PTNT 4 thủ tục, TN và MT 18 thủ tục, Nội vụ 21 thủ tục, GD và ĐT 29 thủ tục, Thanh tra 10 thủ tục. Đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện việc rà soát, niêm yết, 107 TTHC theo hướng công khai, rõ ràng, minh bạch về trình tự, cách thức thực hiện, lệ phí, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết, đối tượng, cơ quan thực hiện.
Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh khẳng định, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp huyện nâng cao hiệu quả CCHC, nhiều năm liền giữ vị trí trong “tốp” đầu của toàn tỉnh. Đáng ghi nhận, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác CCHC, bộ máy hành chính được kiện toàn, nâng cao được vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức và công dân ngày càng được nâng cao. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tiếp nhận 1.521 hồ sơ hành chính và đã giải quyết 1.513 hồ sơ, đang xử lý 8 hồ sơ, không có hồ sơ tồn đọng. Tuy nhiên, công tác CCHC của huyện vẫn tồn tại một số bất cập. Hoạt động của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại xã, thị trấn và tại huyện chưa tích cực trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (3, 4); không có hồ sơ, TTHC được nộp, xử lý trực tuyến. Chưa thực hiện cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định. Tỷ lệ đơn vị cấp xã thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 còn thấp (5/21 xã, thị trấn). Việc cung cấp thông tin theo quy định trên các Trang thông tin điện tử của 21 xã, thị trấn còn hạn chế. Việc trao đổi, báo cáo bằng văn bản giữa UBND xã, thị trấn và UBND huyện, các cơ quan, đơn vị của huyện còn hạn chế; các xã, thị trấn vẫn gửi văn bản giấy trực tiếp hoặc qua đường bưu điện mặc dù UBND huyện đã triển khai chữ ký số đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và 21/21 xã, thị trấn.
Để nâng cao chất lượng nền hành chính công vụ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân giao dịch thuận lợi hơn, tích cực xây dựng Chính quyền điện tử theo lộ trình chung UBND huyện yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đổi mới phương pháp quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt công tác hiện đại hóa hành chính, tăng cường gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất công tác CCHC. Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính Nhà nước ở huyện và các xã, thị trấn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy