Trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, trong nước, các cấp Hội Sinh vật cảnh (SVC) đã đổi mới hoạt động tuyên truyền, quảng bá và có nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam Trần Văn Thìn, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) sở hữu vườn cây cảnh có giá trị kinh tế cao. |
Được sự định hướng kịp thời của các cấp Hội SVC, cùng với việc phát triển các sản phẩm cây thế, bonsai truyền thống, nhiều hội viên đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trang trí, cây bóng mát... cung ứng cho thị trường theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Xã Điền Xá (Nam Trực) là địa phương nổi tiếng lưu giữ các giá trị văn hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vỵ Khê nhưng trước khó khăn về thị trường, Hội SVC xã khuyến khích người dân mở rộng thêm nhiều sản phẩm SVC. Ngoài các loại hoa, cỏ trang trí được trồng từ nhiều năm trước, hiện nay trên địa bàn xã có 15ha đất trồng các loại cây bóng mát nhập ngoại và trong nước như cây tràm hoa vàng ở Nam Bộ, cây sao đen ở Trung Bộ, cây dụ, hoa ban đỏ ở Tây Bắc, cây Osaka (Nhật Bản), cây hoàng nam (Ấn Độ)… Mặc dù không có giá trị kinh tế cao như cây cảnh nghệ thuật nhưng cây trang trí, cây bóng mát cũng cho thu nhập khá, duy trì việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Huyện Giao Thủy có nhiều cách làm sáng tạo để tìm đầu ra cho sản phẩm SVC, nhất là thị trường xuất khẩu. Ông Phùng Văn Kiên ở xóm 5, xã Giao Hà đã có kinh nghiệm hơn 15 năm trồng các loại cây bóng mát, cây công trình xuất khẩu với đủ các loại cây như: bồ đề, đa búp đỏ, cau vua... Trong đó, cây bồ đề trở thành “chủ lực” sinh lời của gia đình ông Kiên. Nhờ trồng cây bồ đề mà gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Kiên cho biết: Sau khi nắm được thông tin về cây bồ đề ngoài làm cây cảnh, cây bóng mát còn có tác dụng chữa bệnh, gỗ cây dùng làm diêm, bột giấy và làm nguyên liệu chế biến sợi nhân tạo; nhựa bồ đề được xuất khẩu sang các nước Pháp, Myanmar làm nguyên liệu sản xuất hương liệu giúp cho việc lưu giữ trong các loại mỹ phẩm, đầu năm 2004, gia đình ông mạnh dạn thuê lại 10ha đất của xã Giao Hà để chuyển đổi sang trồng cây bồ đề và nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác. Đến nay, vườn nhà ông có gần 4.000 cây bồ đề từ 1-4 năm tuổi. Trung bình mỗi năm ông xuất bán ra thị trường từ 1.500-2.000 cây, giá mỗi cây bồ đề dao động từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng tùy kích cỡ cây. Cây bồ đề càng lâu năm có giá trị càng lớn. Trung bình trồng sau 2 năm là cây đạt chiều cao gần 5m và có giá 500 nghìn đồng/cây. Lượng khách hàng đặt mua cây bồ đề của gia đình ông Kiên ngày một nhiều, dần trở thành địa chỉ thân quen đối với các cơ quan, đơn vị, các khu du lịch, các doanh nghiệp chế xuất trong và ngoài tỉnh. Để đủ nguồn cung cấp cây bồ đề cho thị trường, ngoài nguồn cây giống tự nhân, ông còn đi gom cây giống từ các tỉnh, thành phố. Mô hình trồng và kinh doanh cây xuất khẩu dần được nhân rộng trong huyện. Gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn ở xã Giao An (Giao Thủy) chủ sở hữu trang trại cây bóng mát, cây công trình có diện tích khoảng 10ha. Gia đình ông đã cung cấp trên 20 nghìn cây bồ đề phục vụ công trình Chùa Bái Đính (Ninh Bình); xuất khẩu hơn 1.000 cây phi lao sang thị trường Dubai. Với cách làm tương tự, tại một số địa phương khác trong tỉnh, nhiều nghệ nhân SVC từng có thời gian dài gắn bó với cây cảnh nghệ thuật truyền thống nay dần chuyển đổi hoặc mở rộng diện tích sang trồng các loại cây công trình, cây bóng mát, cho thu nhập cao. Ông Trần Văn Thìn nghệ nhân SVC Việt Nam, ở khu phố số 2, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) nổi tiếng nhờ sở hữu vườn cây sưa đỏ diện tích 2ha có tuổi đời từ 8-12 năm. Ông Thìn cho biết: Trồng cây sưa đỏ không khó, cây sưa phát triển tốt khi trồng trên đất bằng, cao ráo; khi cây ươm trong bầu đất chỉ cần làm cỏ và giữ dáng cây thẳng. Khi cây khép tán thì tỉa cành để cây tập trung phát triển thân chính và lõi. Trồng sưa đỏ không tốn phân bón, nhưng nguy hại nhất là sâu đục thân, phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và phun thuốc vào lỗ sâu đục, tiêu diệt sâu. Sưa đỏ từ lúc trồng đến khi khai thác phải mất thời gian từ 10 năm trở lên, lúc đó, lõi sưa đỏ có giá dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/kg. Hiện tại, cây to nhất trong vườn của ông Thìn có đường kính 22cm, cây bé nhất đường kính khoảng 10cm. Năm 2019, doanh thu từ cây cảnh của ông đạt 300 triệu đồng, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh phía Nam và Trung Quốc, Đài Loan…
Thời gian qua, SVC tỉnh ta đã dần hòa nhập thị trường nhưng vẫn hạn chế trong việc mở rộng tiêu thụ, các sản phẩm SVC xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp so với các ngành hàng khác. Ông Phạm Huy Nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội SVC tỉnh cho biết: Phong trào trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh đang được bước vào giai đoạn mới theo hướng thương mại, có tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, SVC vẫn còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận một cách khách quan, thận trọng; đặc biệt, gần đây xuất hiện những cuộc mua bán, trao đổi hoa, cây cảnh tại địa phương thậm chí là xuyên biên giới, bị thổi giá lên tới vài tỷ đồng. Xuất phát từ phía những người trồng hoa, cây cảnh mới được tiếp cận với nghề, ít vốn, chưa hiểu rõ về sinh lý thực vật, trình độ khoa học kỹ thuật; thiếu khả năng phân tích không phân biệt được trước giá trị ảo trên thị trường hoa, cây cảnh để bị cuốn vào các trào lưu đầu tư đột biến. Người trồng cây dần lâm vào hoàn cảnh khó khăn từ các khoản vay nợ, vốn duy trì sản xuất kinh doanh dẫn đến buộc phải bán tháo do không thể chịu nổi sức ép do giá cây hạ nhanh, thị trường bão hòa, thương lái ép giá... Một số nơi phát triển theo dạng chớp nhoáng, ham muốn lợi nhuận nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất.
Để SVC phát triển thành ngành kinh tế vững chắc, mang lại hiệu quả cao, các địa phương, các cấp Hội SVC trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; đẩy mạnh phong trào tìm tòi, sáng tạo các loại hoa, cây cảnh đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các ngành, các cấp có những ưu đãi trong vấn đề hỗ trợ vốn và kỹ thuật định hướng cho người dân phát triển các vùng chuyên canh về SVC. Những người trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh nên trang bị những kiến thức, có góc nhìn tỉnh táo, cẩn trọng trước những biến động thị trường SVC trong giai đoạn mới. Qua đó đưa SVC không chỉ là hướng phát triển kinh tế nông thôn, thu hút ngoại tệ mà còn là nét văn hóa truyền thống của địa phương, khẳng định thương hiệu trong nước và quốc tế./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh