Gia nhập thị trường (GNTT) được xem là bước đầu tiên rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, vì vậy tỉnh luôn chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sớm GNTT. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, kết quả chỉ số gia nhập thị trường (GNTT) có biến động tăng thứ hạng nhiều nhất trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2019 của tỉnh. So với năm 2018, điểm số tăng 1,74 điểm, tăng 58 bậc, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ xếp sau tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Yên; đây là chỉ số duy nhất không có chỉ tiêu nào đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. |
Kết quả trên thể hiện các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng ứng xử, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh. Tuy nhiên, để doanh nghiệp ngày càng gia tăng niềm tin vào chất lượng hỗ trợ gia nhập thị trường của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tỉnh đã chủ động phân tích điểm số năm 2019 đã đạt được của 10 chỉ tiêu cơ sở, xác định nguyên nhân, từ đó đẩy mạnh các giải pháp cải thiện các chỉ tiêu còn bất cập của chỉ số GNTT. So với năm 2018, có tới 8/10 chỉ tiêu cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực; trong đó, có 3 chỉ tiêu đứng ở vị trí tốp 5 trên bảng xếp hạng. Cụ thể: 0% doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động, giảm 3,7% (tăng 39 bậc, xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố); 96,67% doanh nghiệp đánh giá cán bộ hướng dẫn rõ ràng đầy đủ, tăng 34,67% (tăng 60 bậc, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố), chỉ xếp sau tỉnh Phú Yên và Lạng Sơn; 86,67% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhiệt tình, thân thiện, tăng 3,91% (tăng 13 bậc, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố); 83,33% doanh nghiệp đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn, tăng 28,16% (tăng 39 bậc, xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố); 86,67% doanh nghiệp đánh giá thủ tục được niêm yết công khai, tăng 31,5% (tăng 55 bậc, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố); 46,67% doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt, tăng 15,64% (tăng 27 bậc, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố); 38,64% doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua phương thức mới (trực tuyến, thủ tục hành chính công, bưu điện), tăng 35,31% (tăng 25 bậc, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố); thời gian thay đổi đăng ký doanh nghiệp (trung vị) giảm từ 6,5 ngày (năm 2018) xuống còn 5 ngày (năm 2019) (tăng 13 bậc, xếp hạng 42-49/63 tỉnh, thành phố). Đáng lưu ý, so với năm 2018 vẫn còn 2/10 chỉ tiêu chưa cải thiện gồm: Số ngày đăng ký doanh nghiệp (trung vị) là 5 ngày, chưa cải thiện, vẫn giữ thứ hạng 24-39/63 tỉnh, thành phố; 22,22% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động, tăng 7,41% (hạ 20 bậc, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố). Để xử lý các bất cập này tỉnh đã yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nhanh chóng hoàn tất các giấy tờ cần thiết để hoạt động chính thức.
Ngay sau hội nghị phân tích kết quả PCI của tỉnh, Sở KH và ĐT, đơn vị chịu trách nhiệm chính đã tích cực cải thiện hai chỉ tiêu thành phần còn tồn tại bất cập của chỉ số GNTT. Theo đồng chí Trịnh Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở KH và ĐT, trong 9 tháng đầu năm 2020 Sở đã tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức, lấy đó làm thước đo về chất lượng phục vụ của cơ quan. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc việc thực hiện cải cách hành chính; phổ biến, cụ thể hoá kịp thời các chủ trương, văn bản pháp luật về công tác cải cách hành chính đến từng công chức trong thực thi nhiệm vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Tích cực đảm bảo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 luôn được duy trì phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn, quy định của pháp luật và với thực tế của cơ quan. Sở đã công bố công khai các địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị trên trang thông tin điện tử của Sở, của UBND tỉnh và tại nơi tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Duy trì và thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức và công dân theo đúng quy định tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Sở thường xuyên rà soát, cập nhật và niêm yết kịp thời toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) trên Trang thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ http://sokhdt.namdinh.gov.vn theo đúng quy định để các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân biết thực hiện và giám sát. Tiếp tục ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ qua mạng của Bộ KH và ĐT trong việc tiếp nhận và trả kết quả các TTHC thuộc lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay Sở đang thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sau: Phần mềm xử lý liên thông hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Bộ KH và ĐT tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn; Phần mềm đầu tư công của Bộ KH và ĐT tại địa chỉ https://dautucong.mpi.gov.vn; phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.namdinh.gov.vn; Phần mềm liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp tại trang https://lienthong.dkkd.gov.vn/. Phần mềm Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài của Bộ KH và ĐT tại địa chỉ: https://dautunuocngoai.gov.vn; qua phần mềm này nhà đầu tư nước ngoài có quyền thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại một đầu mối là cơ quan đăng ký đầu tư, tạo thuận lợi, giảm bớt việc đi lại cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh. Triển khai phần mềm một cửa điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyền của Sở: 102/148 TTHC được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4, số hồ sơ trực tuyến đạt hơn 40% trên tổng hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3,4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý góp phần tích cực vào việc giảm bớt phiền hà trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức và doanh nghiệp; Chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao rõ rệt.
Không riêng gì Sở KH và ĐT, từ đầu năm đến nay Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành địa phương đang tiếp tục hỗ trợ tối đa doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh đăng ký kinh doanh; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục đăng ký mẫu dấu, bố cáo thành lập. Các sở, ngành, địa phương cũng tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hồ sơ, tài liệu không cần thiết theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, quốc gia. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch các TTHC có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, nâng cao trình độ, tinh thần thái độ của cán bộ một cửa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp đến giải quyết các TTHC./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy