Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trước tác động của dịch bệnh COVID-19

08:09, 15/09/2020

Do tác động của các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19, từ đầu năm đến nay một số chỉ tiêu của lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đạt kết quả thấp như: Đàn bò ước giảm 1,6%; tỷ lệ tái đàn lợn nuôi giảm 17,6%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp đang thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do sản phẩm hàng hóa tiêu thụ khó và chậm; lượng hàng tồn kho nhiều, làm tăng chi phí hoạt động, vốn sản xuất, kinh doanh bị ứ đọng... nên doanh thu và thu nhập giảm so cùng kỳ. Cụ thể lượng hàng tồn kho của một số đơn vị như: Công ty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông 160 tấn thịt lợn, Công ty TNHH Công Danh 500 tấn thịt lợn choai và 200 tấn thịt lợn sữa, Công ty Hải sản Hùng Vương 50 tấn hải sản, HTX nuôi thủy sản Xuân Hòa 15 tấn, HTX thủy sản Hải Điền 3 tấn... Sức cạnh tranh của một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong tỉnh gặp khó khăn do giá đầu vào của các loại nguyên liệu tăng từ 15-20%. Đối với HTX, cơ sở, doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, ngoài các ảnh hưởng trên thì nguồn cung nguyên liệu đầu vào giảm, giá cả tăng cao gây khó trong việc điều hòa sản xuất. Do sản xuất, chế biến khó khăn nên việc làm, ngày công và thu nhập của người lao động làm việc trong HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp liên quan lĩnh vực nông nghiệp đạt thấp hoặc suy giảm, như: Công ty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông phải cho 40 công nhân tạm nghỉ làm việc, Công ty TNHH Công Danh có 52 công nhân phải nghỉ. Đối với ngành chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 5% so với tháng 2, nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất và tăng giá có thể xảy ra. Trong bối cảnh tổng đàn gia cầm đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, đàn trâu, bò đang phát triển nhanh nên nhu cầu các loại vắc-xin, thuốc thú y, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh rất lớn và đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, thậm chí bị găm hàng, tăng giá do phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Trong lĩnh vực thủy sản, giá một số sản phẩm nuôi trồng, khai thác như: tôm, tép moi, sứa giảm đáng kể; trong khi một số sản phẩm đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản như giống cá, hóa chất, chế phẩm sinh học có thể thiếu, tăng giá dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó chủ động được mùa vụ... 

Tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy sản tươi sống.
Tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy sản tươi sống.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đã ban hành 11 công văn, 2 công điện, 1 quyết định, 2 chỉ thị và 5 kế hoạch chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản... Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thu nhập; thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết, quy hoạch vùng sản xuất tập trung; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định đáp ứng đủ điều kiện, chất lượng xuất khẩu theo chính sách biên mậu của các nước nhập khẩu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao... Trong chăn nuôi, các giải pháp được xây dựng và đề xuất thực hiện là tập trung tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP; thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với thủy sản, phát triển nuôi trồng theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch.

Bên cạnh việc xây dựng các giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể, ngành Nông nghiệp cũng đề xuất xây dựng các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tăng cường phối hợp hoạt động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, phấn đấu cho mục đích phát triển bền vững nông nghiệp. Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ nông sản... Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy sản tươi sống quảng bá cung cấp các sản phẩm nông, thủy sản tươi sống chất lượng tốt cho thị trường. Hiện, Trung tâm đang giới thiệu, cung ứng gần 100 sản phẩm thủy sản tươi sống của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ nuôi thủy sản ở các huyện ven biển của tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời được Chi cục kiểm dịch chất lượng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Sở NN và PTNT chủ động có giải pháp kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh để phối hợp, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trong tỉnh và thị trường trong nước, xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng có đánh giá, tính toán các phương án và khả năng cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm của tỉnh để khi cần có thể tận dụng cơ hội về giá và nhu cầu lượng thực trong nước, thế giới tăng để thực hiện xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các loại nông thủy sản ở mức hợp lý nhằm gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Ngành Nông nghiệp cũng kiến nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng đối phó với dịch COVID-19; trong đó có chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi bảo đảm nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch. Sở Tài chính triển khai nhanh chóng gói giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; xem xét hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp... Đôn đốc các địa phương đăng ký đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm đa dạng hóa sinh kế cho bà con nông dân để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt, chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Cùng với quyết liệt triển khai cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, các huyện, thành phố tiếp tục thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản làm động lực mới cho tăng trưởng ngành cũng như nền kinh tế địa phương.

Để làm được điều này cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về: đất đai, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cũng như những cơ chế trong hỗ trợ, liên kết với doanh nghiệp, từ thực tiễn triển khai tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Theo đại diện một số doanh nghiệp, hiện nay việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất quy mô tập trung là rất khó khăn; đề nghị Chính phủ có những cơ chế, chính sách để khuyến khích tập trung đất đai, tích tụ ruộng đất nhằm thúc đẩy quy mô sản xuất nông nghiệp, hiệu quả hơn; có cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hiện đại, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện nay. Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản; nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế chính sách huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com