Là tỉnh ven biển, những năm qua, kinh tế thủy sản của tỉnh ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản tập trung tại các địa phương trọng điểm về khai thác, nuôi trồng thủy sản là Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
Người dân thu mua thủy sản của ngư dân tại bến cá Quần Vinh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). |
Trước kia, phần lớn mẫu mã các sản phẩm chế biến khi đến tay người tiêu dùng vẫn chưa thực sự bắt mắt, thời gian sử dụng ngắn và khó khăn trong việc vận chuyển đi tiêu thụ ở xa; hình thức bao bì, nhãn mác sản phẩm còn chưa được chú ý, đóng gói thủ công nên giá trị thương mại không cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản phẩm, chú trọng đến hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng như đăng ký bảo hộ chất lượng cho thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm được công nhận đạt OCOP đợt 1 năm 2020 như: Sản phẩm mắm tôm Ninh Cơ, sứa ăn liền Ninh Cơ của Công ty CP Chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); sản phẩm sứa ăn liền Vạn Hoa của Công ty TNHH Vạn Hoa, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); sản phẩm chả cá Hải Điền, chả mực Hải Điền của HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu)... Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết bị phục vụ sản xuất. Một số cơ sở đã chú trọng nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường như cơ sở của gia đình ông Ngô Văn Ruệ, xã Giao Xuân (Giao Thủy); Nguyễn Văn Tụng, xã Hải Đông (Hải Hậu)… Nước thải từ các công đoạn sản xuất của các cơ sở trên trước khi thải ra môi trường đều được loại bỏ chất thải rắn có kích thước lớn, sau khi qua các quá trình xử lý sinh học, nước thải lại tiếp tục được loại hết lượng cặn và những rác thải nhỏ mà quá trình trên chưa xử lý được. Đối với hoạt động thu mua thủy, hải sản, phần lớn các cơ sở thu mua thủy hải sản đã chấp hành nghiêm các quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, có sổ ghi chép đầy đủ cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu; thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính cần thiết... Các cơ sở thường xuyên thu mua thủy hải sản sẽ đặt hàng hoặc ký kết hợp đồng với các chủ tàu cá, khi tàu cập bến sẽ tới cảng cá để trực tiếp kiểm tra chất lượng hải sản trước khi thu mua. Đặc biệt, trong quá trình bốc dỡ sản phẩm từ các cơ sở thu mua phần lớn đã tuân thủ các yêu cầu quy định để hải sản không bị nhiễm bẩn, dập nát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đạt được những kết quả đó, các cơ quan chức năng đã thường xuyên thanh, kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm; khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm để vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN và PTNT) phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở chế biến, thu mua về Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình làm nghề, quy hoạch lại không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về chế biến thủy sản cho các chủ cơ sở sản xuất… Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xả nước, rác thải sau chế biến gây ảnh hưởng đến môi trường. Các cơ sở chế biến thủy sản mới xây dựng, trước khi đưa vào hoạt động, sản xuất 15 ngày phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, hoạt động thu mua, chế biến thủy sản hiện còn tồn tại một số khó khăn cần được khắc phục như vẫn còn một số ít các cơ sở thu mua thủy hải sản nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến chất lượng của thủy hải sản, thu mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số cơ sở chế biến thủy sản chưa hoàn thành xong các thủ tục hành chính như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ cho quá trình chế biến chưa đảm bảo... Để khắc phục những khó khăn đó, thời gian tới, Sở NN và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua của đại lý, thương lái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, giấy phép sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất thiết bị chứa đựng bảo quản phải đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Kinh tế thủy sản là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, do vậy tăng cường quản lý các cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản là nhiệm vụ cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo an toàn chất lượng các sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa