Tăng cường liên kết doanh nghiệp - nhà nông trong sản xuất

08:09, 21/09/2020

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh ta đã hình thành được các mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Vũ Trung Trực, xã Trung Đông (Trực Ninh), một trong số các hộ liên kết sản xuất với Công ty TNHH Cường Tân, mang lại thu nhập cao.
Ông Vũ Trung Trực, xã Trung Đông (Trực Ninh), một trong số các hộ liên kết sản xuất với Công ty TNHH Cường Tân, mang lại thu nhập cao.

Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) có chức năng, nhiệm vụ chuyển giao công nghệ sản xuất, mua bán xuất nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi, cung cấp thực phẩm rau an toàn, nông sản, lâm sản. Những năm qua, Công ty đã triển khai hiệu quả mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa gạo với các hộ nông dân. Thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo quỹ đất cho sản xuất hàng hóa, Công ty đã thuê, gom ruộng trong thời hạn từ 5-10 năm tại các xã Trực Hùng, Trực Phú, Trực Đại, Trực Thái (Trực Ninh); Xuân Ninh, Xuân Thượng (Xuân Trường) và Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng), đầu tư quy hoạch lại toàn bộ các ô thửa, tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, bờ vùng, bờ thửa, cải tạo mặt bằng, xây dựng cầu cống, đường điện... đảm bảo đáp ứng cơ bản các yêu cầu của sản xuất giống lúa. Công ty liên kết sản xuất giống lúa lai F1 trên diện tích 450ha với phương thức đầu tư giống gốc, hóa chất, kỹ thuật, thủy lợi, trang bị công cụ cơ giới hóa sản xuất, ứng vốn cho nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt giống lúa lai F1. Hộ nông dân đầu tư công lao động, sản xuất theo đúng quy trình công nghệ và giao nộp toàn bộ sản phẩm hạt giống lai F1 cho Công ty. Với sản lượng từ 1.000-1.500 tấn giống lúa lai F1 hàng năm, giá thấp hơn so với thị trường (từ 60-70 nghìn đồng/kg) đã tiết kiệm cho nông dân từ 10-25 tỷ đồng mỗi năm. Sản lượng giống lúa lai F1 của Công ty đã thay thế một phần giống lúa nhập nội, góp phần từng bước chủ động giống cho sản xuất, tạo thêm hàng trăm nghìn công lao động, giá trị hàng chục tỷ đồng. Người nông dân trực tiếp sản xuất giống lúa cho Công ty có thu nhập ổn định, được sử dụng hạt giống do chính họ sản xuất ra với giá rẻ, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, Công ty đã liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân tổ chức sản xuất cây vụ đông, bao tiêu sản phẩm dưa chuột bao tử, bí xanh, cây rau màu các loại, phục vụ cho nhu cầu thị trường và chế biến hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người lao động. Hàng năm, Công ty tổ chức cung ứng hàng trăm tấn giống lúa thuần, hàng chục tấn giống rau màu và thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng tốt để phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động tại Công ty với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng; Công ty còn liên kết sản xuất với 68 hộ nông dân, giúp họ có điều kiện làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Vì vậy, đời sống bà con nông dân vùng sản xuất giống của Công ty được nâng cao, góp phần ổn định an ninh trật tự nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ông Vũ Trung Trực, hội viên chi hội nông dân số 2, thôn Trung Lao, xã Trung Đông (Trực Ninh), một trong số các hộ tham gia sản xuất cho Công ty TNHH Cường Tân cho biết: Cuối năm 2015, khi Công ty về ký hợp đồng với UBND xã thuê ruộng của nông dân để sản xuất, ông đã vận động gia đình mình và cùng với 4 hộ gia đình khác thuê lại 17,3ha đất lúa của nhân dân, tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa lai. Tham gia sản xuất, các hộ nông dân không chỉ có kinh nghiệm thuần thục trong sản xuất lúa và giống lúa mà còn được hỗ trợ tối đa về nguồn kinh phí, giống, vật tư, tổ chức sản xuất và thu mua bao tiêu sản phẩm… Đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông có thu nhập vài trăm triệu đồng. Còn tại Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên), nhiều năm qua, Công ty đã liên kết với nông dân sản xuất gạo sạch theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, chế biến đóng gói sản phẩm. Công ty cung cấp cho nông dân toàn bộ nguyên liệu sản xuất từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến quy trình sản xuất gạo sạch; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình. Từ đó, trung bình mỗi năm, nông dân cung cấp ổn định cho Công ty khoảng 6.000 tấn thóc sạch để chế biến thành thương hiệu “Gạo sạch Toản Xuân” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty liên kết sản xuất là 2.000ha tại 6 huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Đã có hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa sạch cho Công ty, trong đó có nhiều hộ đang nhận sản xuất với diện tích hàng chục ha. Điển hình một số hộ liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất gạo sạch theo chuỗi là hộ ông Quyền, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) sản xuất 50 mẫu; hộ bà Tình, xã Yên Ninh (Ý Yên) sản xuất 35 mẫu; hộ ông Tống, xã Yên Đồng (Ý Yên) sản xuất 40 mẫu... Ngoài mô hình liên kết với nông dân của 2 Công ty: Toản Xuân và Cường Tân, tỉnh ta đã hình thành được trên 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị; trong đó phải kể đến mô hình “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88, hỗ trợ củng cố HTX” tại xã Liên Bảo (Vụ Bản); mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú; mô hình cá bống bớp Nghĩa Hưng; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến ngao sạch xuất khẩu của Công ty Lenger...

Những mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, qua đó xây dựng các cánh đồng lớn, thuận tiện cho việc đưa cơ giới, công nghệ vào các khâu sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị hàng hóa của nông sản, mang lại thu nhập cao hơn hẳn cho nông dân so với phương thức sản xuất đơn lẻ trước đây./.

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com