Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh ta có sự bứt phá mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn nội ngành cũng như thách thức của thiên tai, dịch bệnh… Những thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên) trồng rau sạch trong nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản mang lại nguồn thu nhập cao. |
Những kết quả đáng ghi nhận
Thời gian gần đây, nông nghiệp tỉnh ta phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao góp phần bảo an ninh lương thực và giảm nghèo bền vững... Nhiều nông sản trọng điểm của tỉnh có vị thế cao trên thị trường như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Cá bống bớp Nghĩa Hưng, Rau sạch Ngọc Anh, Thịt lợn Minh Long… Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX, nông dân đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để đầu tư sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 2,7%/năm, vượt hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Cơ cấu nội ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Chính phủ triển khai đã thu hút động viên lực lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh ủy đã có nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó có Nghị quyết 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan bám sát thực tiễn để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách triển khai hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường nguồn lực cho công tác nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái... Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp hàng trăm quy trình kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản; việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng đã mang lại nhiều sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình “cánh đồng lớn” đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã hình thành 234 cánh đồng lớn, trong đó đã quy hoạch và xây dựng ổn định trên 150 cánh đồng lớn với diện tích 12.767ha, có 1.804ha sản xuất theo chuỗi liên kết giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, việc ứng dụng khoa học và công nghệ sau thu hoạch gia tăng giá trị cho nông sản; giảm công lao động nặng nhọc cho nông dân, góp phần bảo đảm sản phẩm tươi, an toàn dịch bệnh và nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tạo dựng được thương hiệu, uy tín, được người tiêu dùng tin tưởng.
Hình thành đội ngũ nông dân thời 4.0
Về xã Yên Dương (Ý Yên) hỏi ai cũng biết mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm. Trước đây, gia đình chị Hòa trồng rau màu theo phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao do sâu bệnh, thời tiết diễn biến bất thường. Cuối năm 2018, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện tham gia khóa học trồng rau và trực tiếp tham quan mô hình trồng rau tại Nhật Bản, chị Hòa đã quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước sạch tự động để trồng các loại su hào, bắp cải, cải bó xôi theo công nghệ Nhật Bản. Chị Hòa cho biết: Nhờ có nhà lưới nên việc sản xuất rau hoàn toàn chủ động về thời vụ, lịch trồng, thời điểm thu hoạch; đồng thời hạn chế tối đa các loại sâu bệnh nên hầu như không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các loại rau do gia đình chị sản xuất đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên được các siêu thị, đại lý nông sản trong tỉnh đặt mua theo giá thị trường. Với hơn 3 sào ruộng màu trồng rau trong nhà lưới mỗi năm mang lại cho gia đình chị nguồn thu từ 140-150 triệu đồng/sào, cao gấp 2 lần so với cách làm truyền thống.
Tại xã miền biển Hải Lý (Hải Hậu), ngay sau khi tỉnh công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, chị Bùi Thị Hằng đã quyết định đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chuồng trại hiện đại, đồng bộ và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT; cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010 của Bộ NN và PTNT. Sử dụng các loại thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế... Trao đổi với chúng tôi, chị Hằng cho biết: Việc tái đàn đã được chị kê khai, cập nhật, khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương; bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-11-2019 của Bộ NN và PTNT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi của tỉnh. Nhờ đó, trang trại nuôi lợn của chị Hằng đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ thuốc sát trùng, vắc-xin phòng bệnh, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Với hệ thống chuồng trại quy mô, áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đến thời điểm này toàn bộ đàn lợn nuôi gồm 250 con lợn nái và 700 con lợn thịt phát triển khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh. Mới đây, sau khi thị sát cơ sở chăn nuôi của gia đình chị Hằng, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến đã khẳng định: Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho chăn nuôi còn hạn hẹp như Nam Định; đồng thời giao các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với UBND tỉnh, Sở NN và PTNT theo dõi, giám sát hỗ trợ cơ sở và tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn nuôi nhằm tăng sản lượng thịt lợn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong thời gian tới.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang thực sự là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương trước những đòi hỏi về nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế; ứng phó với những “cực đoan” do biến đổi khí hậu; thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên để phát triển nông nghiệp công nghệ cao không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra như: nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực, đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là cơ chế, chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Những khó khăn, thách thức đang được các cấp, ngành chức năng và các huyện, thành phố nhận diện tìm hướng tháo gỡ với những giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm vượt qua những “rào cản”, góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển, tạo động lực đưa kinh tế nông nghiệp tỉnh ta vươn lên tầm cao mới./.
Bài và ảnh: Văn Đại