Tại xóm Xuân Phong, xã Giao Xuân (Giao Thủy), gia đình ông Trần Văn Đích nhiều năm qua đã tập trung phát triển mô hình nuôi gà, cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với kinh nghiệm 20 năm nuôi cá, từ năm 2015, gia đình ông từ xã Giao Hải chuyển đến vùng chuyển đổi xã Giao Xuân, đầu tư 800 triệu đồng đào 3 ao nuôi cá thương phẩm, cá giống. Ông còn xây dựng hệ thống chuồng trại, thường xuyên nuôi khoảng 7.000-8.000 con gà bằng cỏ, bã bia, cám ngô. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về 200-300 triệu đồng. Còn tại xóm Xuân Tiến, từ năm 2019, anh Vũ Thanh Tuấn đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá, gà ri thả bộ trên diện tích rộng 2ha đấu thầu vùng chuyển đổi của xã. Hiện tại, gia đình anh có 3 ao nuôi cá, nuôi các loại trắm đen, chép, trắm cỏ; lúc cao điểm nuôi trên 2.000 con gà. Nhờ chủ động được nguồn cá giống, chịu khó đi nhiều nơi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, sản lượng cá anh thu được khoảng trên 35 tấn/năm.
Gia đình ông Trần Văn Đích, xóm Xuân Phong, xã Giao Xuân (Giao Thủy) phát triển mô hình nuôi gà, cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ông Nguyễn Văn Tới, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã cho biết: Xã Giao Xuân có 1.356 hội viên nông dân, chiếm tỷ lệ 62,5% hộ nông nghiệp trên địa bàn. Những năm qua, hội viên nông dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Xã đã áp dụng thành công mô hình cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; hướng dẫn nông dân áp dụng trồng lúa thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng nông sản. Do đó, địa phương phát huy được truyền thống thâm canh, năng suất lúa hàng năm đạt bình quân từ 130-135 tạ/ha; nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, mở rộng kinh tế gia trại, trang trại, xây dựng nhiều điển hình kinh tế hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm. Toàn xã hiện có 12 mô hình thâm canh lúa và chăn nuôi lợn theo hướng gia trại; nhiều hộ chăn nuôi trâu bò thương phẩm có hiệu quả; 37 hộ đã chuyển đổi 29,42ha diện tích trồng lúa năng suất thấp sang làm ao nuôi cá trắm, cá chim trắng, cá quả, tôm thẻ chân trắng... Các mô hình VAC, nuôi trồng các giống cây, con đặc sản, cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây cảnh, cây ăn quả cũng được đẩy mạnh. Là xã ven biển, nghề nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy hải sản đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, 5 năm trở lại đây thu hút một lượng lớn vốn đầu tư vào nuôi thả từ quảng canh sang thâm canh và bán công nghiệp. Toàn xã có 300ha bãi bồi ven biển và 50,5ha đầm ven đê được nông dân đầu tư nuôi tôm, cua, ngao vạng xuất khẩu tạo việc làm thường xuyên, tại chỗ cho hàng nghìn lao động. Nhiều hộ làm kinh tế biển, nuôi vạng có thu nhập hàng năm từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, sử dụng lao động theo thời vụ từ 100 đến 150 người như gia đình các ông bà Lộc, Ngôn, Trường, Thực, Vượng, Cửu, Bình… ở thị tứ; ông bà Hòa, Điện ở xóm Xuân Tiên; ông bà Hải, Dương, Thuật, Tưởng, Liêm ở xóm Xuân Phong; ông bà Hồng, Toản ở xóm Xuân Thắng... Trong phát triển ngành nghề, kinh doanh dịch vụ, nhiều gia đình hội viên đã hình thành các mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp, vật tư nông nghiệp, chế biến hàng lâm sản, cơ khí. Ngoài ra, trong xã còn có các tổ thợ nề, thợ mộc, tổ làm nghề lái xe taxi làm việc ở các thành phố lớn, thu hút hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Riêng nghề vận tải taxi đến nay đã có khoảng 200 hộ nông dân tham gia. Điển hình ở các chi hội xóm Xuân Tiến, Xuân Phong, Xuân Hoành, Xuân Minh, Xuân Thọ có 50 gia đình hội viên đầu tư mua xe ô tô làm dịch vụ taxi, thu nhập mỗi xe hàng tháng từ 10-15 triệu đồng. Nhờ đó, tổng thu nhập từ ngành nghề và kinh tế biển của xã hàng năm đạt từ 100-200 tỷ đồng. Đến năm 2020, xã có 460 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 33,7% số hộ nông dân, trong đó có 22 hộ đạt cấp Trung ương, 96 hộ đạt cấp tỉnh, 165 hộ đạt cấp huyện.
Để đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, HND xã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của hội viên trong phát triển kinh tế; tăng cường liên kết 4 nhà để tiếp nhận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Trong 5 năm qua, HND xã đã phối hợp tổ chức 13 cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với khoảng 1.500 hội viên, xã viên tham gia. HND xã còn vận động xây dựng, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân, quỹ chi hội; phân công các chi hội vận động hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp hộ nghèo có vốn sản xuất. Đến năm 2020, HND xã nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 305 hộ vay sản xuất, kinh doanh với dư nợ 9,4 tỷ đồng. Cùng với đó, HND xã luôn quan tâm chăm lo xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nhờ đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, HND xã Giao Xuân đã giúp nhau giảm nghèo bền vững, tăng thêm hộ khá, giàu, xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới, HND xã Giao Xuân tiếp tục thực hiện phong trào thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó chú trọng mở rộng ngành nghề, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt theo phương pháp công nghiệp, quy mô tập trung; xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư khai thác kinh tế biển, tích cực chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh; phấn đấu đến năm 2025 có 50% diện tích canh tác đạt 150 triệu đồng/ha/năm; 40% số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi./.
Bài và ảnh: Lam Hồng