Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng triển khai hiệu quả các chương trình cho vay hộ nghèo

07:09, 30/09/2020

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, hàng nghìn hộ nghèo đã có điều kiện phát triển sinh kế tạo nguồn thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Kiểm tra và nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương Mai (xã Phúc Thắng).
Kiểm tra và nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương Mai (xã Phúc Thắng).

Để đạt được hiệu quả cao nhất khi thực hiện chương trình, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức quản lý tốt các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) ở các xã, thị trấn, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở họp, bình xét đối tượng bảo đảm dân chủ, công khai trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND huyện điều tra và phê duyệt. Nhờ đó, hầu hết nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đều đến đúng đối tượng, người được vay đã sử dụng đúng mục đích khi vay vốn, đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng cho biết: Để bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ngoài việc tư vấn, cung cấp các thông tin cần thiết cho các hộ vay vốn, sau 30 ngày kể từ khi nguồn vốn được giải ngân, Ngân hàng CSXH huyện đều phân công cán bộ phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) trực tiếp xuống kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, phương thức đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các hộ vay vốn. Chỉ đạo cán bộ các tổ TK và VV bám sát các gia đình vay vốn để đôn đốc, động viên và hướng dẫn các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Hàng năm các đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với tổ trưởng các tổ TK và VV đối chiếu dư nợ tất cả số hộ vay vốn theo quy định; theo dõi, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ vay để quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay và thu nợ, hạn chế phát sinh nợ xấu. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và lập kế hoạch kiểm tra theo từng quý và cả năm. Thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức tập huấn các nghiệp vụ giao dịch, kiểm soát nguồn vốn, thu tiền gốc, tiền lãi, công tác kiểm tra, kiểm soát, công tác quản lý tổ TK và VV… Đồng thời, thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi mới của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng CSXH Việt Nam… Đổi mới nội dung, phương pháp giao ban định kỳ giữa Ngân hàng CSXH huyện với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV để đánh giá kết quả hoạt động chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đã giải ngân được 110 tỷ 402 triệu đồng với 2.763 lượt khách hàng được vay vốn. Tính đến hết tháng 8-2020, tổng dư nợ đạt 481 tỷ 227 triệu đồng với 16 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, lĩnh vực cho vay tập trung chủ yếu ở các chương trình: cho vay hộ cận nghèo với 179 tỷ 737 triệu đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với 127 tỷ 673 triệu đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo với 97 tỷ 87 triệu đồng… Đặc biệt, lĩnh vực cho vay hộ mới thoát nghèo có nhu cầu lớn với mức vay mở rộng đến hạn mức 100 triệu đồng nên thu hút lớn sự quan tâm của người dân. Tính đến 21-9-2020, Ngân hàng đã giải ngân được hơn 600 món vay với mức vay trên 50 triệu đồng/hộ với tổng số tiền 43,5 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Thắm ở xóm 3, xã Phúc Thắng cho biết: “Gia đình tôi là khách hàng quen thuộc của Ngân hàng CSXH huyện hơn 5 năm nay, nhờ các chương trình tín dụng về nước sạch, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đời sống gia đình tôi bớt khó khăn, cơ cực hơn so với trước đây. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để gia đình tôi có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu”. Mới đây, được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ, từ vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo, gia đình chị đã tiến hành kè ao, thả hơn 1.000 con cá vược giống và các loại cá truyền thống. Việc sản xuất nếu trôi chảy, với sản lượng 2-3 tấn cá thu hoạch vào cuối năm, gia đình chị sẽ đủ trả lãi và gốc nợ, có tích lũy thêm hàng chục triệu đồng. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hương Mai ở xóm 10, xã Phúc Thắng cũng là hộ cận nghèo. Gia đình có xưởng cơ khí gia công cửa kính khung nhôm là nguồn sinh kế chính. Đầu năm 2019, được cán bộ Hội Phụ nữ xã tư vấn và hỗ trợ thủ tục cho vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị đầu tư nâng cấp máy móc, nhà xưởng, nghiên cứu mở rộng sản phẩm với mô hình cửa nhựa lõi thép định hình và các đồ dùng gia dụng khác như tủ nhựa, tủ bếp, cầu thang, cửa gỗ… Nhờ vậy, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn, doanh thu mỗi tháng vài chục triệu đồng, có cơ hội thoát nghèo bền vững. Đồng chí Trần Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Tại xã Phúc Thắng, có hơn 108 món vay với hạn mức từ 70 triệu đồng trở lên được giải ngân trong thời gian qua. Dư nợ cho vay thông qua Hội Phụ nữ đạt gần 18 tỷ đồng với 634 hộ vay với 6 chương trình tín dụng uỷ thác từ Ngân hàng CSXH huyện”.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện, các tháng cuối năm 2020, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng sẽ tập trung tranh thủ nguồn vốn phân bổ mới, đẩy mạnh giải ngân 4 tỷ đồng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 7-8%/năm. Tăng cường phối hợp với các tổ TK và VV đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, chủ trương chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đề xuất Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh kiến nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam mở rộng đối tượng cho vay giải quyết việc làm tới các đối tượng có mức sống trung bình, kéo dài thời hạn được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo) lên tối đa 5 năm; kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com