Hiệu quả từ cho vay qua tổ vay vốn của Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định

08:09, 09/09/2020

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Nam Định đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp triển khai rộng khắp hệ thống tổ vay vốn và tiết kiệm (VV và TK) trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tạo kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả. Đến nay, mô hình tổ VV và TK đã thực sự trở thành kênh chuyển tải vốn tín dụng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, an toàn đến đông đảo người dân trên địa bàn nông thôn.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) chi nhánh Hải Hậu bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình sản xuất của khách hàng.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) chi nhánh Hải Hậu bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình sản xuất của khách hàng.

Cùng đoàn cán bộ Agribank chi nhánh tỉnh, chúng tôi đến tìm hiểu các mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi thông qua tổ VV và TK tại xã Hải Phương (Hải Hậu). Chị Bùi Thị Hiền, chủ xưởng gỗ mỹ nghệ Yến Vinh ở xóm 2 vui vẻ cho biết: “Hơn 11 năm qua, Agribank chi nhánh huyện Hải Hậu đã luôn gắn bó, đồng hành cùng gia đình tôi từ những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian nan đến lúc thành công như ngày hôm nay”. Năm 2009, nhờ món vay đầu tiên 300 triệu đồng từ Agribank, gia đình chị Hiền đã đầu tư mở xưởng mộc dân dụng nhỏ với hơn chục thợ. Kinh tế phát triển, nhu cầu người dân với đồ gỗ mỹ nghệ tăng cao, các đơn hàng ngày càng nhiều, gia đình chị cần thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Thông qua tổ VV và TK của Hội Nông dân xã, gia đình chị lại được Agribank chi nhánh huyện Hải Hậu “tiếp vốn” để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên giàu có. Đến nay, với tổng dư nợ 3 tỷ đồng, chị đã xây dựng được 3 xưởng gỗ lớn, 1 kho và 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 120 lao động. Doanh thu hàng năm từ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình chị đạt 50-60 tỷ đồng. Không chỉ chị Hiền, nhiều hộ gia đình tại xã Hải Phương cũng được tiếp cận kịp thời, nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank thông qua tổ VV và TK như hộ anh Nguyễn Văn Quang sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với dư nợ 3 tỷ đồng; anh Nguyễn Văn Chử đầu tư sản xuất đồ may mặc với dư nợ 1,5 tỷ đồng; chị Đặng Thị Hoa đầu tư kinh doanh gạo chất lượng cao với dư nợ 1,8 tỷ đồng… Ông Lê Văn Vinh, tổ trưởng tổ VV và TK số 2 xã Hải Phương cho biết: “Tổng dư nợ cho vay của tổ hiện tại là 14 tỷ 400 triệu đồng với 21 thành viên còn dư nợ. Mức vay với lãi suất ưu đãi từ thấp nhất 80 triệu đồng đến cao nhất là 3 tỷ đồng giúp người dân dễ dàng lựa chọn các khoản vay phù hợp với kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Agribank Hải Hậu luôn tích cực hỗ trợ về thủ tục, chỉ cần 1-2 ngày có thể giải ngân nên người dân rất thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn”. Rời xã Hải Phương, chúng tôi đến Hải Bắc, một trong những xã đứng đầu về phát huy hiệu quả vốn vay Agribank thông qua tổ VV và TK. Đồng chí Nguyễn Tất Tố, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Tổng dư nợ cho vay vốn Agribank thông qua tổ VV và TK của toàn xã đạt 39 tỷ đồng với 11 tổ, 230 hộ còn dư nợ. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thủ tục vay vốn tại Agribank nhanh gọn đáp ứng nhu cầu của người dân, nên người dân cảm thấy yên tâm và ngày càng nhiều người tìm đến tổ vay vốn để có vốn làm ăn”. Bình quân mỗi hộ đều vay tối thiểu từ 100 triệu đồng trở lên. Dư nợ bình quân mỗi tổ đều trên 1 tỷ đồng. Được tổ VV và TK số 4 giúp đỡ, anh Nguyễn Trung Kiên ở xóm Triệu Thông B đã được vay 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng xưởng sơn tĩnh điện. Đến nay, xưởng sơn cửa xếp của anh đạt năng suất 5.000 m2/tháng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên gia đình anh Kiên trả gốc, lãi đầy đủ hàng tháng. Hiện tại, dư nợ của gia đình tại Agribank chỉ còn 175 triệu đồng. Nói về hiệu quả hoạt động của tổ vay vốn, đồng chí Trần Văn Phi, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Hải Hậu cho biết: “Tính đến hết ngày 31-7-2020, tổng dư nợ cho vay qua tổ VV và TK trên địa bàn toàn huyện đạt trên 1.421 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng dư nợ của Chi nhánh. Toàn huyện có 292 tổ với 5.619 thành viên. 7 tháng đầu năm, Chi nhánh đã giải ngân được 79 tỷ 997 triệu đồng thông qua tổ VV và TK. Có thể nói, hệ thống tổ VV và TK đã thực sự là “cánh tay nối dài” giữa ngân hàng và khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Về phía ngân hàng, cho vay qua tổ VV và TK giúp ngân hàng tìm được những khách hàng có chất lượng, giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần giảm tải cho cán bộ tín dụng khi phải quản lý nhiều khách hàng”.

Tính đến 31-7-2020, tổng dư nợ cho vay của Agribank Nam Định qua tổ VV và TK trên toàn tỉnh là 10.623 tỷ 947 triệu đồng; trong đó, dư nợ kênh Hội Nông dân là 7.659 tỷ 249 triệu đồng; Hội Phụ nữ là 291 tỷ 731 triệu đồng; hội khác là 2.672 tỷ 966 triệu đồng. Tổng doanh số cho vay qua tổ 7 tháng đầu năm đạt 7.634 tỷ 861 triệu đồng. Tổng số thành viên của tổ VV và TK là 47.415 thành viên. Tổng số tổ VV và TK là 2.289 tổ; trong đó Hội Nông dân có 1.744 tổ, Hội Phụ nữ có 90 tổ, các hội khác là 455 tổ. Nợ xấu 34 tỷ 131 triệu đồng, chỉ chiếm 0,25% tổng dư nợ. Mức cho vay bình quân là 224 triệu đồng/tổ. Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ VV và TK luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn. Tổ VV và TK còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả hơn… Qua đó, các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.

Thời gian tới, Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định tập trung củng cố tổ chức, hoạt động của tổ VV và TK, nâng cao chất lượng tín dụng. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng, chủ dự án để nâng cao hiệu quả công tác chuyển tải vốn tới hộ sản xuất và bảo đảm an toàn tín dụng cho vay qua tổ. Chỉ đạo cán bộ tín dụng tích cực bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm chắc tình hình vay vốn của hộ dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn của cơ sở. Không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục; đa dạng hoá các kênh dẫn vốn, đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tổ chức kiểm tra công tác triển khai cho vay trong năm, phối hợp với cán bộ tín dụng kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các tổ VV và TK, kiểm tra mục đích sử dụng vốn của các hộ vay sau giải ngân./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com