Ông Đỗ Văn Thính, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) kiểm tra sự phát triển của cá diêu hồng. |
Là địa bàn có nhiều thuận lợi về phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, những năm qua, Hội Nông dân (HND) thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Vũ Văn Thành ở tổ dân phố số 7 đã lựa chọn mô hình nuôi cá chuối hoa để phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu, anh được biết, cá chuối hoa phàm ăn, dễ nuôi, ít bệnh, phát triển nhanh, có chất lượng thịt được xếp vào hàng thơm ngon nhất trong các loài cá nước ngọt, rất được ưa chuộng trong các nhà hàng khách sạn, thị trường và giá cả cũng khá ổn định. Anh Thành cho biết: “Trong quá trình nuôi, gia đình tôi chỉ dùng thức ăn là cá biển, tạo thói quen ăn đúng giờ với lượng thức ăn vừa phải, giúp cá phát triển đồng đều”. Hiện tại, tổng diện tích 3.600m2 anh quy hoạch 3 ao nuôi, xây bờ bao kiên cố, trung bình mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 14-15 tấn cá, trừ chi phí thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cũng tại tổ dân phố số 7, với phương pháp làm khoa học và sự đầu tư bài bản, mô hình nuôi cá chuối hoa, chuối sộp của gia đình anh Trần Văn Khoản cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như cá chuối hoa sức sống khỏe, chỉ ăn cá tạp thì cá chuối sộp lại nuôi chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp, rất nhàn trong khâu chăm sóc. Ngoài việc chọn mua con giống đồng đều về kích cỡ, khỏe mạnh, không mang các dấu hiệu nhiễm bệnh tại các cơ sở sản xuất cá giống uy tín, anh Khoản còn thường xuyên kiểm tra màu nước của ao nuôi để thay nước hợp lý, đảm bảo môi trường sạch, thông thoáng an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho cá phát triển. Nhờ nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật chăm sóc trong suốt quá trình nuôi nên tỷ lệ cá trong ao nhà anh hao hụt thấp, trung bình mỗi năm thu được 10-12 tấn cá. Ngoài ra, quanh bờ ao, anh còn trồng quất, đào cảnh, rau màu, thu nhập thêm vài chục triệu đồng/năm. Còn tại tổ dân phố số 8, với diện tích ao nuôi 3.300m2, gia đình chị Đặng Thị Lành lại chọn đối tượng nuôi chủ yếu là cá diêu hồng kết hợp xen canh với cá trắm và tôm thẻ chân trắng, thu hàng chục tấn thủy sản các loại/năm. Diện tích đất trên bờ, chị còn trồng 2 mẫu đinh lăng, xây dựng chuồng trại nuôi gà lai chọi… Để hỗ trợ các mô hình nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, HND thị trấn thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Năm 2020, tổ hợp tác được vay 700 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. HND thị trấn còn quan tâm mở các lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản để người dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng những phương pháp canh tác mới, cách chăm sóc và nuôi trồng mang lại hiệu quả thu nhập cao. Ông Đỗ Văn Thính, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Hàng chục năm trước, thị trấn đã thành lập được Câu lạc bộ liên kết trồng cây cảnh, nuôi trồng thủy hải sản với tổng số 50 thành viên tham gia. Sau một thời gian, để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác, 14 thành viên thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Từ đó, Tổ hợp tác đã trở thành nơi để các thành viên cùng nhau trao đổi khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, hỗ trợ đầu vào như nguồn giống cá chất lượng, thức ăn. Hiện nay, với tổng diện tích trên 15ha, các thành viên đã đầu tư quy hoạch ao nuôi, đa dạng con nuôi, trong đó chú trọng nuôi trồng những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thuận lợi của các hộ nuôi là tận dụng được nguồn thức ăn là cá biển từ các hộ khai thác đánh bắt thủy hải sản. Theo tính toán của ông Thính, với giá bán từ 55 đến 70 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi hộ nuôi sau khi trừ chi phí thu được 200-300 triệu đồng/năm. Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất bán chậm, giá cá rẻ hơn do nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn giảm, song các hộ nuôi vẫn tin tưởng thị trường tiêu thụ sẽ có khởi sắc trong thời gian tới.
Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Thịnh Long đã giúp người nông dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Từ những vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả trước đây, được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các hộ nông dân ở thị trấn mạnh dạn chuyển đổi trở thành vùng nuôi trồng thủy sản, trồng cây rau màu và dược liệu trù phú, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.
Bài và ảnh: Lam Hồng