Xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) quy mô vùng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, lưu thông hàng hóa cũng như thúc đẩy sản xuất của người dân trong khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình chợ hiện đại ở vùng nông thôn như TTTM, siêu thị… với quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai của nhiều dự án còn chậm. Nguyên nhân nằm ở đâu?
Siêu thị Countrymart (Hải Hậu) đáp ứng yêu cầu TTTM quy mô vùng. |
Nhu cầu phát triển trung tâm thương mại quy mô vùng
Thực hiện tiêu chí phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai tốt công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống chợ nông thôn. Các chợ nông thôn được quy hoạch đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tập quán, thói quen mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương; thống nhất và phù hợp với quy hoạch hệ thống chợ toàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay trên toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn với số vốn đầu tư trên 120 tỷ đồng. Hệ thống thương mại nông thôn ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhu cầu mua bán hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với phát triển hệ thống chợ theo quy hoạch, ở khu vực nông thôn có khoảng 30 điểm kinh doanh theo hình thức TTTM, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tự chọn, góp phần làm phong phú thêm các loại hình kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng, giúp người dân có thêm nhiều sự lựa chọn hàng hóa, tiếp cận với văn minh thương mại... Tuy nhiên, hệ thống các siêu thị, TTTM khu vực nông thôn của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế như chưa đảm bảo về số lượng, chưa đồng đều giữa các địa phương và mật độ trong cùng một địa bàn. Trong số khoảng 30 điểm kinh doanh theo hình thức TTTM, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tự chọn được đầu tư xây dựng mới chỉ có một vài TTTM mang tính chất quy mô vùng như Siêu thị Country Mart (Hải Hậu); Happy Mart (Nghĩa Hưng) và Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy)… Các điểm kinh doanh còn lại chưa phát huy được chức năng của TTTM quy mô vùng là chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hoá.
Theo Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, quy hoạch xây dựng 7 TTTM, 25 siêu thị. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện xây dựng quy hoạch vùng các huyện đảm bảo yêu cầu có diện tích dành cho xây dựng TTTM quy mô vùng. Trong đó, định hướng rõ việc xây dựng các TTTM quy mô vùng đảm bảo các tiêu chí của trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Nam Trực chủ trương thành lập 3 trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ tại thị trấn Nam Giang và các xã Tân Thịnh, Nam Tiến quy mô 3ha/điểm. Huyện Nghĩa Hưng thành lập 3 trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ tại thị trấn Liễu Đề; xã Nghĩa Sơn; thị trấn Rạng Đông. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh… cũng chủ trương xây dựng các TTTM quy mô vùng tương ứng với các đô thị trung tâm vùng để kết nối giao thương, cung ứng dịch vụ giữa các địa phương trong huyện và liên kết các huyện với nhau. Song tiến độ xây dựng các TTTM quy mô vùng còn quá chậm so với kế hoạch đề ra.
Những bất cập và biện pháp tháo gỡ
Theo đại diện của Sở Công Thương, nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do: Quy trình chuẩn bị đầu tư xây dựng TTTM quy mô vùng hiện nay còn phức tạp, cần sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, địa phương trong việc cung cấp thông tin, thống nhất trình tự thủ tục và hướng dẫn cụ thể cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án. Theo quy định của pháp luật, đối với các dự án xây dựng TTTM trên nền chợ cũ thì chủ đầu tư phải lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng chợ tạm, bố trí địa điểm tái kinh doanh cho các tiểu thương và xin ý kiến các hộ kinh doanh, chính quyền địa phương rồi báo cáo lên các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thẩm định. Về phương án kiến trúc, chủ đầu tư phải xây dựng 2-3 phương án thiết kế để các cơ quan chức năng lựa chọn, phê duyệt. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp áp dụng phương án giá cho thuê ki-ốt, quầy, sạp của chủ đầu tư còn cao, thời gian điều chỉnh giá thuê ngắn, gây khó khăn cho tiểu thương. Việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nhận thức chưa đầy đủ của chính quyền địa phương, các hộ kinh doanh tại các chợ đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng chuyển đổi nâng cấp thành TTTM quy mô vùng cũng là một trở ngại. Huyện Hải Hậu quy hoạch xây dựng hạ tầng TTTM Cồn - Văn Lý quy mô vùng trên nền chợ Cồn hiện tại. Được sự đồng ý của UBND huyện, doanh nghiệp đã về khảo sát, lên phương án kiến trúc. Tuy nhiên chính quyền địa phương và các tiểu thương chỉ thống nhất xây dựng lại nhưng không đồng ý cơ chế quản lý, khai thác khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, chính quyền địa phương chưa chấp thuận phương án xây dựng “đổi đất lấy hạ tầng”. Nhiều tiểu thương không đồng ý với việc kêu gọi doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng chợ; yêu cầu được cùng đóng góp vốn với Nhà nước để xây dựng và đề nghị Nhà nước vẫn trực tiếp quản lý chợ (cụ thể là giao cho ban quản lý chợ như hiện nay). Các tiểu thương e ngại khi nâng cấp chợ thành TTTM hiện đại khiến cho người dân ngại mua sắm. Khó khăn này ở hầu hết các huyện trong tỉnh đều xảy ra.
Để tháo gỡ, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương công bố quy hoạch phát triển thương mại, tạo điều kiện khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển TTTM quy mô vùng gắn với việc xóa chợ cóc, chợ tạm để chỉnh trang đô thị nông thôn, kết nối giao thương, thúc đẩy sản xuất phát triển. Sở Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc, giám sát các địa phương đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các chợ theo tiêu chí. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó chú trọng xây dựng TTTM quy mô vùng hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với giá hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các chủ thể tham gia giao dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản. Các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung xử lý nhanh, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong từng dự án xây dựng TTTM quy mô vùng. Các chủ đầu tư phải chủ động triển khai các thủ tục, công khai minh bạch phương án đầu tư xây dựng, tổ chức sắp xếp hợp lý các hộ kinh doanh cũ tại chợ, tạo sự đồng thuận và sớm triển khai các dự án. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại để thông suốt nhận thức của chính quyền cơ sở và các tiểu thương về yêu cầu và xu hướng phát triển hạ tầng thương mại trong hoạt động kinh doanh, buôn bán để thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống TTTM quy mô vùng, xây dựng hạ tầng thương mại của tỉnh ta ngày càng văn minh, hiện đại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương