Từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp

08:08, 27/08/2020

Đảm bảo hài hòa giữa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường đang là vấn đề ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV để hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn và hiện đại.

Nông dân xã Trực Thuận (Trực Ninh) phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Nông dân xã Trực Thuận (Trực Ninh) phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường cộng với yêu cầu thâm canh, tăng vụ đã khiến cho tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng ngày càng phức tạp, kéo theo số lượng và chủng loại thuốc BVTV được đưa vào sử dụng cũng tăng lên. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT), từ năm 2015-2019, trung bình mỗi năm nông dân trong tỉnh sử dụng trên 350 tấn thuốc BVTV; cá biệt năm 2018, toàn tỉnh đã sử dụng tới 490 tấn thuốc BVTV do tình hình dịch bệnh gây hại trên cây lúa tăng cao. Hiện có khoảng 17-18% người dân còn sử dụng thuốc BVTV tùy tiện, không thực hiện “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng phương pháp). Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, nhất là việc lạm dụng thuốc bừa bãi, không những tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất mà còn khiến các sản phẩm nông nghiệp tồn dư lượng hóa chất không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không được bỏ đúng nơi quy định mà vứt bừa bãi trên cánh đồng, mương nước gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và nhiễm độc nông sản do hóa chất còn sót lại trong chai lọ, vỏ bao… Việc này dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực cho sản xuất, môi trường, sinh kế của nông dân, sức khỏe con người. 

Để góp phần giảm thiểu tác hại của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sản xuất sử dụng các biện pháp sinh học, hữu cơ an toàn để phòng trừ các đối tượng dịch hại, hạn chế sử dụng hóa chất BVTV, trường hợp sử dụng thuốc BVTV hóa học phải theo nguyên tắc “4 đúng”, chỉ sử dụng các loại thuốc trong “Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam” của Bộ NN và PTNT ban hành. Khuyến cáo nông dân chọn các loại thuốc có hiệu quả diệt trừ dịch hại cao, phổ tác động hẹp, độc tính thấp, thời gian cách ly ngắn; thu gom bao bì đã sử dụng vào đúng vị trí quy định; trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc, khi phun thuốc; không sử dụng thuốc không rõ nguốn gốc, nhập lậu, hết hạn sử dụng… Trước mỗi vụ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tham mưu cho Sở NN và PTNT về thời vụ gieo cấy và các biện pháp thâm canh, bao gồm cả hướng dẫn việc sử dụng các loại thuốc BVTV để hạn chế đến mức thấp nhất đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường cũng như đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Chỉ đạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật phối hợp cùng cơ sở bám sát đồng ruộng, sử dụng hiệu quả công cụ, thiết bị chuyên ngành phục vụ tốt cho công tác dự báo thời kỳ phát sinh và diện phân bố của từng đối tượng dịch hại lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng để tham mưu chính xác, góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả các đợt phòng trừ các loại sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân, khô vằn và đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông… Căn cứ điều kiện đất đai, tập quán canh tác của địa phương, mạng lưới BVTV cơ sở tham mưu giúp Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn xây dựng cơ cấu cây trồng, chuyển dịch mùa vụ phù hợp nhằm đảm bảo sản xuất đạt kết quả, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Trong tháng 5 vừa qua, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở kiểm tra tại 21 cơ sở, hộ kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở, hộ kinh doanh này đã chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV. Các loại thuốc đều nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, hạn sử dụng đảm bảo, lượng thuốc BVTV được các hộ kinh doanh cung ứng đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Đoàn công tác đã lấy 3 mẫu thuốc BVTV là Rexcide 515WP, Topchest 550WG, Transit 750WP tại các hộ kinh doanh ở 2 xã Giao Yến (Giao Thủy) và Minh Tân (Vụ Bản); kết quả phân tích chất lượng cho thấy các mẫu thuốc đều đạt chất lượng như đã đăng ký. Hằng năm, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục thực hiện các chuyên đề nghiên cứu quy luật phát sinh các đối tượng dịch hại chính trên lúa, rau màu và đánh giá hiệu lực của một số loại thuốc BVTV có hiệu quả cao để bổ sung vào bộ thuốc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh của tỉnh cũng như loại bỏ một số loại thuốc hiệu lực kém, qua đó góp phần làm giảm số lần phun thuốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: mô hình “3 giảm, 3 tăng”, mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI), áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa; mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản... nhằm nâng cao nhận thức của nông dân hướng tới nền nông nghiệp sinh thái bền vững.

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây lắp được gần 20 nghìn bể chứa vỏ bao bì tại đồng ruộng nhằm khắc phục tình trạng nông dân vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Nhiều doanh nghiệp, nông dân chú trọng hơn trong việc đầu tư công nghệ quy trình hữu cơ trong trồng trọt như mô hình sản xuất gạo hữu cơ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu), sử dụng loại thuốc diệt sâu bệnh sinh học tự chế từ các hợp chất vi sinh tự nhiên như: vôi bột, tỏi, ớt, dấm… kết hợp các biện pháp thủ công như tổ chức bắt sâu, diệt chuột bằng bả sinh học để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV hóa học.

Thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán canh tác của nông dân, khuyến khích việc áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nói chung, công tác BVTV nói riêng. Kiểm soát nghiêm ngặt việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; xây dựng và củng cố về tổ chức, nội dung hoạt động của mạng lưới BVTV cơ sở đảm bảo các chỉ đạo kỹ thuật đến tận người nông dân; hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com