Trong các kiến nghị của cử tri các địa phương với HĐND tỉnh nổi lên vấn đề về tình trạng xử lý các trường hợp quản lý tài sản công, chủ yếu liên quan đến nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước còn chưa chặt chẽ. Cụ thể, cử tri thành phố Nam Định đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tập trung xử lý, kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp được giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả, nợ đọng thuế. Thậm chí có đơn vị còn tự ý cho thuê, chuyển nhượng sai mục đích như HTX rau cá Tiền Phong, phường Trần Quang Khải, mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri huyện Ý Yên kiến nghị Công ty CP Dệt may Nam Định được giao đất để xây dựng nhà máy may trên địa bàn xã Yên Bình nhưng đến nay đã 6 năm vẫn chưa tổ chức các hoạt động sản xuất, đất đai, công trình trên đất để không, lãng phí gây bức xúc cho nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xử lý việc sử dụng khu đất trên theo quy định pháp luật. Cử tri huyện Giao Thủy kiến nghị, toàn bộ diện tích đất của Nông trường Bạch Long do Công ty TNHH một thành viên Bạch Long (trước đây là Nông trường cói Bạch Long) quản lý; trong khi công nhân lại do UBND xã Bạch Long quản lý. Đề nghị UBND tỉnh sớm có kế hoạch chuyển giao diện tích của Nông trường Bạch Long cho UBND xã Bạch Long quản lý và điều hành đúng với địa giới hành chính hoặc quy hoạch thành khu công nghiệp của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhân dân...
Chủ động quản lý đất công giúp xã Giao Phong (Giao Thủy) bố trí cho các hộ dân đấu thầu, khai thác nuôi trồng thủy sản hiệu quả. |
Để khắc phục các bất cập về quản lý, sử dụng nhà đất công, từ năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng từng cơ sở nhà đất; lập và trình UBND tỉnh phương án tổng thể xử lý, sắp xếp lại nhà đất. Trên cơ sở đó, tiến hành sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; đối với cơ sở nhà, đất dôi dư, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại sẽ ưu tiên điều chuyển cho các đơn vị còn thiếu, cho các công trình công cộng theo quy hoạch, còn lại sẽ tiến hành thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để tổ chức bán đấu giá, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc Nhà nước quản lý còn chậm. Một số nguyên nhân chính là: tâm lý lợi ích tác động đến việc các đơn vị kê khai, lập phương án sắp xếp lại, nhất là đối với các đơn vị có cơ sở bị điều chuyển, thu hồi... Sự buông lỏng quản lý của cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng trực tiếp dẫn đến nhiều cơ sở nhà, đất cho thuê bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép. Bên cạnh đó, khối lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp trên toàn tỉnh lớn, đã trải qua nhiều giai đoạn sử dụng, nguồn gốc hình thành phức tạp nên cần có nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra, phân loại.
Ngày 6-8-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16-4-2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được lập thành phương án tổng thể đối với tất cả các cơ sở nhà, đất trên địa bàn từng huyện, thành phố và theo từng loại hình: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện, doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà, đất và lập thành biên bản đối với từng cơ sở nhà, đất đã kê khai, báo cáo; thời hạn hoàn thành trước ngày 1-7-2021. Căn cứ kết quả kiểm tra hiện trạng, Sở Tài chính tổng hợp, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo từng đối tượng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; thời hạn hoàn thành trước ngày 30-9-2021. Trường hợp cần thiết phải sắp xếp lại, xử lý trước khi có phương án tổng thể thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp lập phương án báo cáo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đối với các cơ sở nhà, đất đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy