Với mục tiêu làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Côi; tạo quỹ đất sạch với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh để thực hiện các dự án đầu tư tập trung góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội khu vực nông thôn huyện Vụ Bản; ngày 24-7-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1799/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 CCN Thanh Côi (Vụ Bản).
Cán bộ Phòng Quy hoạch - Kiến trúc (Sở Xây dựng) nghiên cứu, rà soát bản vẽ kỹ thuật các đồ án quy hoạch đã hoàn thành trong năm 2020. |
Theo Quyết định của UBND tỉnh, khu vực lập quy hoạch CCN thuộc xã Tam Thanh được xác định bởi ranh giới: phía Tây Bắc giáp tuyến đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 10; phía Đông Nam giáp đất nông nghiệp huyện Ý Yên và đất nông nghiệp xã Tam Thanh; phía Đông Bắc giáp đường nhựa vào UBND xã Tam Thanh; phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp, nghĩa trang. Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 51,42ha. Trong đó, quy mô lập quy hoạch CCN khoảng 49,8ha, diện tích đất ảnh hưởng (đất hành lang bảo vệ và hành lang an toàn đường sắt) khoảng 1,62ha. Quy mô lao động dự kiến khoảng 7-10 nghìn lao động. Là CCN tập trung, đa ngành, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành nghề chính: cơ khí, cơ khí đúc; sản xuất chế biến gỗ; điện, điện tử, phụ trợ dệt may,... Trong đó, ưu tiên các ngành nghề là thế mạnh của khu vực như cơ khí, cơ khí đúc, chế biến gỗ. Quy hoạch sử dụng đất CCN gồm đất nhà máy, kho tàng; đất khu kỹ thuật; đất công trình hành chính, dịch vụ; đất cây xanh, mặt nước; đất giao thông. Điểm nhấn giao thông trong CCN là trục không gian - trục giao thông chính từ Quốc lộ 10 vào CCN với lộ giới 28m. Các trục giao thông khu vực thiết kế theo dạng vòng kết nối các khu chức năng tạo ra hệ thống giao thông hoàn chỉnh của CCN. Mặt tiền các xí nghiệp công nghiệp hướng về các trục đường chính, đường khu vực và đường nội bộ đảm bảo mỹ quan kiến trúc toàn CCN. Các khu vực không gian chủ đạo, điểm nhấn không gian kiến trúc là khu trung tâm điều hành và dịch vụ công cộng nằm ngay sát phía Đông Bắc của trục đường chính và cổng ra vào chính từ Quốc lộ 10 của CCN. Hệ thống cây xanh phân tán bao quanh CCN và cách ly các khu chức năng tạo cảnh quan thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mật độ xây dựng tối đa của lô đất nhà máy, kho tàng là 70%, đối với lô đất hành chính dịch vụ là 60%. Hệ thống đường giao thông của CCN gồm 5 tuyến đường; trong đó đường trục chính 2 chiều rộng 28m (lòng đường rộng 15m, vỉa hè mỗi bên 5m, dải phân cách giữa 3m); đường phân chia chức năng chính của khu đất dự án rộng 23m (lòng đường rộng 15m, vỉa hè mỗi bên 4m); đường phía Tây Bắc rộng 17,5m (lòng đường rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m); đường giao thông phía Tây Nam, Đông Nam rộng 15,5m (lòng đường rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m) và tuyến đường vuốt nối từ đường trục chính CCN vào đường trục xã. Vị trí đấu nối với Quốc lộ 10 tại trục chính CCN cách vị trí đấu nối hiện có 480,3m. Vị trí đấu nối đường CCN với đường trục xã Tam Thanh dự kiến với chiều dài 73,97m. Về quy mô và cao độ chuyển tiếp giữa 2 tuyến đường phải đảm bảo nguyên tắc lưu thông thuận tiện, an toàn cho các phương tiện và người dân. Hướng thoát nước chính theo định hướng san nền, nước mưa từ lô đất chảy vào hệ thống cống thoát nước mưa trên các tuyến đường giao thông, sau đó đấu nối với mương thoát nước chảy ra sông Sắt. Hệ thống thoát nước mưa độc lập với thoát nước bẩn, được bố trí giữa đường có kích thước đường kính D400-D1.000mm. Với tuyến đường trục chính bố trí thu nước mưa hai bên đường, các tuyến đường còn lại bố trí hệ thống thu nước mưa một bên. Hệ thống cấp nước cho công trình là hệ thống cấp nước chung cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và chữa cháy. Mạng lưới đường ống cấp nước phân phối được thiết kế theo kiểu mạng lưới vòng kết hợp nhánh cụt, đảm bảo cấp nước liên tục và an toàn đồng thời đảm bảo đủ lưu lượng và áp lực trong giờ dùng nước lớn nhất và có cháy. Lắp đặt 1 trạm biến áp 250kVA và 1 trạm biến áp 400kVA cấp điện cho các khu vực nhà hành chính, hạ tầng kỹ thuật và cấp điện chiếu sáng đường. Trạm xử lý nước thải đặt tại khu đất hạ tầng (nằm ở phía Tây Nam của dự án). Nước thải sau khi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo cột A của QCVN 40:2011/BTNMT trước khi đưa ra nguồn tiếp nhận. Tuyến cống chính của khu vực có kích thước D315-D400mm được bố trí 2 bên hè đường của hệ thống đường giao thông, thu gom và vận chuyển nước thải về đường cống thoát nước thải bố trí trên các tuyến đường sau đó dẫn về trạm xử lý. Tất cả các đường cống thoát nước phải chôn sâu dưới mặt đất ít nhất là 0,5m tính đến đỉnh cống. Nước thải sinh hoạt từ các công trình công cộng được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại cho từng công trình sau đó được thoát ra mạng lưới thu gom nước thải bên ngoài công trình rồi tập trung về các tuyến cống chính. Dọc theo các tuyến ống thoát nước thải bố trí các giếng thu, thăm tại các vị trí thay đổi tiết diện cống, chuyển hướng... Khoảng cách trung bình giữa các giếng thăm là 30-40m/giếng. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng, phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Rác thải trong từng nhà máy yêu cầu phân loại tại chỗ, sau đó được vận chuyển về nơi tập trung rác thải theo quy định. Bố trí một bãi tập kết rác thải tại vị trí có hướng gió không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, có vành đai cây xanh cách ly thuận lợi cho công tác thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý. Trạm xử lý nước thải có công suất 1.500m3/ngày-đêm, được bố trí phía tây của CCN với diện tích khoảng 1.430m2 thuộc diện tích đất các khu kỹ thuật.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 CCN Thanh Côi được UBND tỉnh phê duyệt tạo hành lang pháp lý quan trọng để các sở, ngành chức năng tham mưu cho tỉnh thực hiện các thủ tục tiếp theo, tiến tới khởi công xây dựng hạ tầng CCN, từ đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong CCN./.
Bài và ảnh: Thành Trung