Xác định tiêm phòng là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ, phát triển ngành chăn nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều loại bệnh trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan, thậm chí có khả năng bùng phát thành dịch, ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác tiêm phòng vụ xuân góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi và giảm thiểu thiệt hại cho chăn nuôi.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2020 toàn tỉnh phấn đấu tiêm phòng dịch tả lợn cho 212.100 con; tiêm vắc-xin lở mồm, long móng cho 31.750 con trâu, bò, dê và 27.600 con lợn nái, lợn đực giống; vắc-xin phòng dại cho 88.700 con chó, mèo. Năm nay, công tác tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân được triển khai bài bản với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Cụ thể, Sở NN và PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai công tác tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm cho toàn thể đội ngũ cán bộ Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và một số chủ trang trại tiêu biểu trong toàn tỉnh nhằm quán triệt mục đích, yêu cầu, kế hoạch tiêm phòng vụ xuân. Hướng dẫn kỹ thuật tiêm và biện pháp bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình tiêm phòng cho người chăn nuôi, lực lượng tham gia tiêm phòng, bao gồm người trực tiếp tiêm, người ghi chép biểu mẫu tiêm, người bắt giữ gia súc, gia cầm. Cung cấp tài liệu để các huyện, thành phố phối hợp với hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác tiêm phòng đối với việc bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, từ đó tự giác phối hợp thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Yêu cầu trong quá trình tiêm phòng phải thực hiện nghiêm túc quy trình bảo quản, vận chuyển theo hướng dẫn của nhà sản xuất; sử dụng vắc-xin có trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN và PTNT, có đầy đủ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Điểm mới trong công tác tiêm phòng vụ xuân này là các địa phương chủ động xây dựng chỉ tiêu tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm để báo cáo UBND tỉnh quyết định. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố đăng ký số lượng vắc-xin với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để được cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm đúng chủng loại, an toàn và không lãng phí; chỉ đạo tổ chức tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. Riêng đối với đàn lợn thì các địa phương cấp phát vắc-xin và hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện về bảo quản và kỹ thuật tiêm phòng tự tổ chức tiêm nhằm giảm áp lực thiếu nhân lực thú y cơ sở. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng thường xuyên phân công cán bộ phối hợp với lực lượng cán bộ thú y cơ sở của các huyện, thành phố theo dõi, giám sát, đôn đốc, xác nhận việc tiêm phòng, hướng dẫn hộ chăn nuôi bổ sung vitamin, thuốc bổ và khẩu phần ăn hợp lý cho vật nuôi trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn sức khỏe cho vật nuôi và nâng cao hiệu quả tiêm phòng. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Phục vụ tiêm phòng vụ xuân năm nay, UBND tỉnh đã quyết định cấp kinh phí để mua vắc-xin phòng dịch tả lợn cho toàn bộ đàn lợn, vắc-xin lở mồm, long móng cho đàn trâu, bò, dê, lợn nái và lợn đực giống nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chuẩn bị đầy đủ các loại vắc-xin, bảo đảm chất lượng với 255.350 liều vắc-xin dịch tả lợn, 39 nghìn liều vắc-xin dại, 5.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng. Toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả được 139.380 con lợn; tiêm vắc-xin lở mồm, long móng cho 24.571 con trâu, bò, dê và 14.571 con lợn nái, lợn đực giống; tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho 47.228 con chó, mèo.
Theo kế hoạch, thời gian tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm chính vụ xuân được thực hiện từ ngày 25-3 đến ngày 25-4-2020 song đây lại là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung đông người do dịch bệnh COVID-19 dẫn đến việc triển khai tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 10-5, các địa phương bắt đầu triển khai tiêm phòng đồng loạt cho đàn gia súc, gia cầm, kết quả tiêm phòng chỉ đạt từ 50,7% đến 77,4% so với kế hoạch. Mặt khác, ý thức chấp hành quy định tiêm phòng cho gia súc, gia cầm của một số hộ dân còn hạn chế nên công tác tiêm phòng ở cơ sở khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Quảng trưởng thú y xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: Mặc dù đã được thông báo lịch tiêm, thời gian tiêm nhưng việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo không thực hiện được do nhiều hộ vẫn thiếu ý thức chấp hành, đi vắng hoặc không bắt giữ vật nuôi cho lực lượng tiêm phòng. Trong khi công việc tiêm phòng tiềm ẩn không ít rủi ro, nguy hiểm, địa bàn phục vụ rộng nhưng chế độ hầu như không có gì nên không khuyến khích đội ngũ thú y cơ sở hoạt động.
Thời gian tới, Sở NN và PTNT, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là đối tượng mới tái đàn để tạo miễn dịch và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tiếp tục tập trung phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của UBND tỉnh./.
Văn Đại