Ở xã Hải Đường (Hải Hậu) nhiều người biết anh Phạm Văn Diện, xóm 22 giàu lên nhờ nuôi ốc nhồi - một mô hình “đầu tư ít, hiệu quả cao”.
Anh Phạm Văn Diện, xóm 22, xã Hải Đường (Hải Hậu) giầu lên từ nuôi ốc nhồi. |
Trước khi đến với nghề nuôi ốc nhồi, anh Diện đã có gần 20 năm làm nghề mộc dân dụng nhưng điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên hiệu quả sản xuất không cao. Trăn trở tìm hướng phát triển, anh lên mạng internet tìm hiểu các mô hình kinh tế hộ, đặc biệt là các mô hình chuyển đổi sản xuất khai thác tiềm năng ruộng đất sẵn có. Anh nhận thấy ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu ta, ốc bươu đen) ngoài đồng, trong ao ngày càng hiếm dần do biến đổi khí hậu, người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng cao. Không những vậy, đây là loài phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng ruộng ở địa phương. “Tôi mới chợt nghĩ, tại sao không nuôi ốc nhồi? Nghĩ là làm luôn, tôi mua sách, báo, tài liệu nghiên cứu và bắt tay lập kế hoạch nuôi ốc nhồi” - anh Diện cho biết. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2017, anh Diện đã đầu tư 15 triệu đồng mua 3 vạn con ốc giống ở Thái Bình về nuôi thả trong 1,7 sào ao của mình. Vạn sự khởi đầu nan(!) Mặc dù đã tích lũy được chút ít kiến thức, kinh nghiệm nhưng do kỹ thuật không đồng bộ nên thời gian đầu nuôi ốc nhồi chậm phát triển và chết dần. Có những thời điểm ốc chết nổi đầy mặt nước. Kết quả vụ đầu, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Thất bại này không làm anh nản lòng. Anh lại khăn gói đi học thêm kỹ thuật nuôi ốc nhồi và tìm ra được nguyên nhân khiến ốc chết. Lần này, anh tập trung xử lý tốt môi trường nuôi ngay từ đầu. Anh rút hết nước trong ao, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó mới bơm nước vào ao nuôi và duy trì mực nước cao 60-100cm để giữ độ an toàn cho ốc. Nguồn thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn từ tự nhiên (rêu, bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn…) và ăn rất ít nên anh Diện chú ý cung cấp lượng thức ăn cho vừa đủ, không để dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi dẫn đến ốc bị chết. Ngoài việc quản lý về thức ăn và môi trường ao nuôi, việc quản lý đàn ốc vào mùa nóng, mùa rét và quản lý dịch bệnh cũng được anh Diện hết sức quan tâm. “Ốc nhồi chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào ao. Còn trong mùa đông, ốc rúc xuống bùn trú đông gần như không hoạt động, lúc này phải rút bớt nước trong ao, thả cây, cỏ xuống ao để giữ ấm cho ốc. Ngoài ra, nuôi ốc nhồi cần lưu ý đến bệnh sưng vòi, là bệnh nguy hiểm nhất trên ốc, dễ gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý bệnh, tránh dịch lây lan” - anh Diện cho biết. Nhờ chịu khó tìm hiểu tài liệu và quan sát, phát hiện những đặc tính nhỏ nhất ở con ốc nhồi để điều chỉnh phương pháp chăm sóc và đã giảm được thiệt hại do ốc chết vì bệnh. Ngay trong vụ thứ 2, tỷ lệ ốc sống tăng lên trên 80% đã cho thu lãi hàng chục triệu đồng. Thấy chủ động được trong sản xuất, anh đã thuê gom ruộng trũng để cải tạo, mở rộng quy mô nuôi ốc nhồi lên 6 sào với 3 ao nuôi, tự nhân giống, phát triển mô hình với số lượng lớn. Hiện tại, anh Diện đã phát triển được hơn 1,5 vạn cặp ốc nhồi bố mẹ và 15 vạn con ốc thương phẩm. Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất giống ốc nhồi, anh Diện cho biết sau 12 tháng nuôi, ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian đẻ trứng rộ thường từ tháng 4 đến tháng 9 khi thời tiết ấm. Để tạo điều kiện cho ốc mẹ đẻ trứng, người nuôi cần làm bệ cao hơn mặt nước, có mái che nắng, mưa và đặc biệt chú ý diệt chuột bảo vệ ốc. Trung bình, mỗi tháng ốc mẹ đẻ 1 buồng trứng, từ 120-150 quả. Người nuôi cần thu gom trứng lại, cho vào thùng ấp ở nhiệt độ thích hợp (25-320C) để trứng nở. Sau 15-17 ngày trứng có dấu hiệu nở (chuyển từ màu trắng sang màu đen) người nuôi sẽ cho ra tráng lưới để ốc nở và thích nghi dần với môi trường tự nhiên. Nuôi thêm 15 ngày ốc con phát triển to bằng đầu đũa có thể xuất bán giống hoặc chuyển ra ao to nuôi thương phẩm. Về ốc thương phẩm, anh Diện cho biết khoảng hơn 3 tháng tính từ khi thả ốc giống ra ao to là có thể thu hoạch, tuy nhiên nếu người nuôi kéo dài đến 4-4,5 tháng thì chất lượng ốc sẽ nâng lên, già hơn, ngon hơn và to hơn (trọng lượng cũng tăng lên). Bình quân mỗi tháng, anh Diện cung cấp 15-20 vạn con ốc nhồi giống và 2,5 vạn con ốc thương phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, ốc nhồi thương phẩm loại 30-35 con/kg có giá 100 nghìn đồng/kg; ốc nhồi giống tùy theo kích thước có giá từ 200-500 đồng/con. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình nuôi ốc nhồi của anh Diện đạt 300-400 triệu đồng. Sau 1-2 lứa ốc thương phẩm, anh lại vệ sinh ao nuôi 1 lần tạo môi trường sạch cho ốc sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. “Con ốc nhồi ngoài tự nhiên đang khan hiếm, giá khá cao, trong khi đó nuôi ốc chi phí thức ăn không nhiều và công chăm sóc ốc lại ít nên mô hình nuôi rất hiệu quả. Mỗi năm, ngoài thời gian và công chăm sóc, tôi chỉ chi phí 20 triệu đồng mua thức ăn và chế phẩm sinh học xử lý ao nhưng thu nhập đạt trên 400 triệu đồng. Hiện nay, nhiều diện tích ao, ruộng đồng để không rất lãng phí. Tôi đã hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc, cung ứng ốc giống cho một số hộ dân quanh vùng nuôi và tổ chức thu mua ốc thương phẩm để xuất cho các thương lái cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Một số hộ đã thành công với mô hình kinh tế này” - anh Diện tâm sự.
Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Phạm Văn Diện đang là một mô hình làm giàu “đầu tư ít hiệu quả cao” cần được các địa phương đánh giá để nhân rộng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh