Chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản ven bờ, hướng tới khai thác hiệu quả bền vững là vấn đề các ngành chức năng luôn nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc chuyển đổi nghề này đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Khai thác gần bờ, cụ thể là khai thác thủy sản bằng lưới kéo là hình thức đánh bắt không chọn lọc, đánh bắt tất cả các loại hải sản từ lớn đến nhỏ làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của ngư dân. Những loại tôm, cá nhỏ khi dính vào lưới đều bị đánh bắt; mặt khác do cá bị lùa vào lưới bởi sức kéo của tàu nên nếu được thả trở lại biển thì cũng không sống được.
Người dân xã Giao Hải (Giao Thủy) khai thác thủy sản ven bờ. |
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản bị đe dọa, những năm gần đây, các cấp chính quyền các cơ quan chức năng đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tái tạo nguồn lợi thủy sản, chủ động tuyên truyền cho ngư dân hoạt động khai thác hải sản ven bờ vùng biển của tỉnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ. Bên cạnh đó, tập trung rà soát lại số phương tiện đang hành nghề, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình quản lý ven bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. trong đó ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Cụ thể như chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thực hiện các chính sách của Bộ NN-PTNT khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách phát triển thuỷ sản…; thực thi các chính sách các vùng sản xuất tập trung để thu hút lao động khai thác thủy sản phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; ưu tiên giao mặt nước không thu tiền sử dụng mặt nước cho người dân chuyển từ nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề nuôi trồng thủy sản... Với sự nỗ lực của các ngành chức năng và sự quyết tâm, đồng lòng của ngư dân, số lượng tàu cá có công suất dưới 20CV làm nghề lưới kéo đã giảm đáng kể. Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 400 tàu làm nghề lưới kéo, chiếm tỷ lệ 19,9% tổng số tàu thuyền trên toàn tỉnh. Đến nay, số lượng tàu cá làm nghề lưới kéo chỉ còn 159 tàu, giảm 241 tàu so với năm 2018. Quá trình chuyển dịch cơ cấu tàu cá theo hướng tăng về số lượng hoạt động xa bờ, giảm tàu nhỏ hoạt động tại vùng biển ven bờ phần nào giải quyết thực trạng theo quy định, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường biển, vừa giúp người dân thực hiện khai thác bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc chuyển đổi nghề cho ngư dân nhưng chưa thể triệt để được vì nhiều nguyên nhân. Dù việc chuyển đổi nghề từ khai thác gần bờ sang khai thác thủy sản xa bờ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao song không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ. Theo một số chủ tàu hành nghề khai thác ven bờ cho biết, nếu chuyển đổi tàu sang đánh bắt xa bờ, chi phí cải hoán vỏ tàu hoặc đóng mới, chi phí ngư cụ cũng phải mất tiền tỷ. Chưa kể đến việc chuyển đổi tập quán đánh bắt thì ngư dân phải có thời gian học hỏi, làm quen với cách thức đánh bắt mới. Đặc biệt, hầu hết ngư dân khai thác thủy sản ven bờ có kinh tế tích lũy thấp nên gặp nhiều hạn chế trước các cơ hội chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực khác như: kinh doanh, sản xuất công nghiệp... Những bất cập trên dẫn đến tình trạng dù ngành chức năng, các cấp chính quyền đã nỗ lực tuyên truyền, vận động hỗ trợ nhưng các ngư dân vẫn hành nghề. Ông Nguyễn Văn Dũng, ngư dân làm nghề lưới kéo huyện Giao Thủy cho biết: “Biết rằng chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản gần bờ sang khai thác xa bờ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện. Muốn chuyển đổi cần rất nhiều vốn đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị máy móc; riêng chi phí đóng một chiếc tàu cá vỏ gỗ công suất lớn đã tốn từ 5-7 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến chuyện phải học nghề cho bài bản mới dám ra khơi”. Để đạt hiệu quả cao trong chương trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ, tỉnh xác định cần phải có lộ trình thời gian với sự hỗ trợ của Nhà nước và các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để những ngư dân khai thác thủy sản gần bờ có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề. Để phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhằm giảm dần, chuyển đổi sang các nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. UBND tỉnh cũng tiếp tục đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ. Bên cạnh đó, bản thân mỗi ngư dân cũng cần tích cực nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản. Từ đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng đến việc khai thác lâu dài, bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa