Trong các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh tại các địa phương cho thấy, tại các huyện, thành phố người dân đều kiến nghị nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên đất.
Nông dân xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) tham quan cánh đồng lớn trồng lúa đặc sản năng suất, chất lượng cao. |
Xóm 21 xã Điền Xá (Nam Trực) có 208 hộ với 780 khẩu, nhà nào cũng canh tác vườn, trồng hoa cây cảnh. Do lợi nhuận từ trồng hoa, cây cảnh cao hơn nhiều so với trồng lúa, từ năm 2000 đến 2002 các hộ dân trong xóm đã tự phát chuyển đổi 14ha đất hai lúa sang đất trồng hoa cây cảnh. Các ông Đỗ Duy Việt, Đỗ Đình Lân, đại diện nhân dân xóm 21 cho biết: chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh cho lợi nhuận gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa, vì vậy từ nhiều năm nay nghề trồng lúa không còn nhiều sức hút với bà con nông dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn xóm có một số diện tích đất xen kẹt không gieo cấy được trong khi chính quyền địa phương đã kiên quyết quản lý việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch. Đây là nguyên nhân khiến xóm 21 có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều nhất xã Điền Xá. Trong ba năm trở lại đây, người dân xóm 21 tiếp tục bỏ hoang 12ha đất lúa; cá biệt có diện tích bà con nông dân đã bỏ hoang đất lúa tới 7-8 năm. Theo đồng chí Đoàn Hữu Khánh, Chủ tịch UBND xã Điền Xá, do từ nhiều năm trước nhiều hộ dân đã tự phát chuyển đổi 300ha đất vườn tạp và đất trồng lúa sang trồng hoa cây cảnh; toàn xã có 50ha đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong quỹ đất đã chuyển đổi, không gieo cấy lúa được. Ngoài ra trên địa bàn còn 30ha đất nông nghiệp do UBND xã quản lý nhưng hiện cũng bị bỏ hoang không gieo cấy. Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri các cấp, người dân toàn xã đều đề xuất các cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi phần diện tích đất hai lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, nâng tầm Điền Xá thực sự là xã đổi mới, phát triển bền vững bằng nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh, cây công trình, sinh thái. Tại đợt tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2016-2021) tháng 6-2020, đồng chí Phạm Quang Ba, Chủ tịch UBND xã Trực Đại (Trực Ninh) đề xuất sớm có chính sách chuyển đổi cây trồng vật nuôi tại các diện tích đất xen kẹt không cấy được lúa hoặc cấy lúa không hiệu quả. Ông Lê Thanh Huy xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) kiến nghị diện tích đất bỏ hoang ngày càng có chiều hướng tăng cao gì vậy đề xuất các cấp chính quyền phê duyệt quy hoạch để người dân có thể chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang và diện tích đất xen kẹt trong khu dân cư sang các mục đích sử dụng khác cho hiệu quả khai thác tiềm năng đất cao hơn. Cử tri huyện Nghĩa Hưng đề nghị tỉnh, huyện: cho phép chuyển đổi một số diện tích đất 2 lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang sản xuất các cây, con có hiệu quả kinh tế cao; có cơ chế chính sách hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp vào sản xuất hoặc tạo điều kiện cho nhân dân tích tụ ruộng đất, đảm bảo sản xuất có hiệu quả tại các diện tích ruộng đất xen kẹt trong khu dân cư.
Trước thực trạng kể trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát nhu cầu chuyển đổi để xác định phương án điều chỉnh mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương đặc biệt chú ý nguyên tắc vùng chuyển đổi phải đảm bảo đúng quy định của Luật Trồng trọt, các Nghị định của Chính phủ: Số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015, số 62/2019/NĐ-CP ngày 11-7-2019, số 94/2019/NĐ-CP ngày 13-12-2019, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật; hình thành vùng sản xuất hàng hóa ổn định và có khả năng mở rộng quy mô theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa; đất đai trong vùng chuyển đổi phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật, an toàn về môi trường và công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện, tranh chấp gây mất trật tự xã hội. Khi xây dựng Kế hoạch chuyển đổi phải phù hợp với các Quy hoạch và được cập nhật vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh sẽ căn cứ vào kết quả tổng hợp ý kiến đề xuất của các sở, ngành, địa phương để xem xét, thống nhất phương án chuyển đổi phù hợp. Theo đó, tính riêng năm 2020, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2020 toàn tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng 3.283,02ha đất trồng lúa sang trồng: 1.255,53ha cây hàng năm, 353,79ha cây lâu năm, 1.673,70ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Trong đó, thành phố Nam Định chuyển đổi cơ cấu cây trồng 43,39ha đất trồng lúa sang trồng: cây lâu năm 15,99ha, nuôi trồng thủy sản 27,40ha. Huyện Vụ Bản chuyển đổi 1.267,86ha đất trồng lúa sang trồng: 47,86ha cây hàng năm, 100,0ha cây lâu năm, 1.120,0ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Huyện Mỹ Lộc chuyển đổi 8,98ha đất trồng lúa sang trồng: 7,18ha cây hàng năm, 1,80ha cây lâu năm. Huyện Ý Yên chuyển đổi 324,83ha đất trồng lúa sang trồng: 18,93ha cây hàng năm, 104,20ha cây lâu năm, 201,70ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Huyện Nam Trực chuyển đổi 48,16ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm. Huyện Trực Ninh chuyển đổi 264,27ha đất trồng lúa sang trồng: 168,61ha cây hàng năm, 32,16ha cây lâu năm, 63,50ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Huyện Xuân Trường chuyển đổi 142,58ha đất trồng lúa sang trồng: 84,59ha cây hàng năm, 49,19ha cây lâu năm, 8,80ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Huyện Giao Thủy chuyển đổi 429,23ha đất trồng lúa sang trồng: 281,38ha cây hàng năm, 17,55ha cây lâu năm, 130,30ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Huyện Nghĩa Hưng chuyển đổi 719,92ha đất trồng lúa sang trồng: 565,02ha cây hàng năm, 32,90ha cây lâu năm, 122ha nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Huyện Hải Hậu chuyển đổi 33,80ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm. Để bảo đảm việc chuyển đổi thực sự đạt hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững, các địa phương hiện đã xây dựng kế hoạch chi tiết chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa, tổ chức sản xuất sau chuyển đổi theo hướng tập trung, cánh đồng lớn, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy