Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp

08:08, 19/08/2020

Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của người nông dân cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại tỉnh ta, chính sách trên đã nhanh chóng được các ngân hàng tích cực triển khai, người dân đón nhận, ủng hộ.

Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất thuỷ sản giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh, giảm tổn thất sau thu hoạch. (Trong ảnh: Nông dân xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy cải tạo ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng).
Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất thuỷ sản giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh, giảm tổn thất sau thu hoạch. (Trong ảnh: Nông dân xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy cải tạo ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng).

Cụ thể chính sách này quy định hỗ trợ về vốn để đầu tư thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp sẽ góp phần tạo ra vùng nguyên liệu đồng nhất về chất lượng, thời gian và kịp thời trong một nền sản xuất lúa hàng hóa ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đối với một tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm thì việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay, sau 6 năm thực hiện dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 37 tỷ 842 triệu đồng với 205 khách hàng còn dư nợ. Số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất là 1 tỷ 724 triệu đồng. Các hộ sản xuất, cá nhân vay đã đầu tư mua 119 máy gặt, 80 máy làm đất, 6 loại máy khác như thiết bị tưới tiết kiệm nước, sản xuất giống góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Hiện tại, có 2 ngân hàng tham gia cho vay chương trình trên gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh và Agribank chi nhánh Bắc Nam Định. Thực hiện cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo cán bộ tín dụng hướng dẫn, tạo điều kiện về thủ tục để người dân được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của chương trình. Mức cho vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị theo quy định theo danh mục chủng loại máy, thiết bị sản xuất trong nước, nhập khẩu do Bộ NN và PTNT công bố bằng 100% giá trị hàng hóa. Đối với các khoản vay thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp: mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự án. Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh tỉnh cũng tập trung hỗ trợ lãi suất tạo điều kiện cho các khách hàng cá nhân tiếp cận với chương trình. Trong đó, đối với các khoản vay để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp: Hỗ trợ 100% trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Đối với các khoản vay thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp: Hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp thâm canh cao, thời gian qua, huyện Xuân Trường đã tích cực tận dụng nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, khuyến khích các hộ dân đầu tư thiết bị máy móc đẩy mạnh cơ giới hoá 100% từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch; thúc đẩy nhanh việc ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và bền vững. Việc gieo sạ bằng công cụ hàng rộng - hàng hẹp tại huyện đã tăng dần qua các năm, đến nay đã đạt trên 80% diện tích, một số địa phương đạt 100% diện tích gieo sạ như: Xuân Châu, Xuân Kiên, Xuân Hồng, Xuân Thủy, Xuân Phong... Huyện đã hình thành, duy trì sản xuất 80 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 3.000ha; các mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh), Công ty CP Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường, Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên)… đều đem lại thu nhập cao, bền vững cho người nông dân. Đóng góp vào kết quả trên, có vai trò của nguồn vốn ưu đãi từ chương trình hỗ trợ của Agribank chi nhánh huyện Xuân Trường đã kịp thời hỗ trợ động viên người dân mạnh dạn đầu tư máy móc để cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã có 127 khách hàng của Agribank Xuân Trường được hưởng lợi từ chương trình với số tiền 35 tỷ 930 triệu đồng. Tính đến hết tháng 6-2020, dư nợ chương trình còn 62 khách hàng với số tiền 8 tỷ 964 triệu đồng. Đến nay, Agribank chi nhánh tỉnh đã cho vay được 177 khách hàng với tổng dư nợ đạt 29 tỷ 210 triệu đồng giúp các hộ đầu tư mua 95 máy gặt và 76 máy làm đất. 100% khách hàng đều là các cá nhân, hộ gia đình. Số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng là 1 tỷ 344 triệu đồng. Nhờ nhận được nguồn vốn kịp thời và được hưởng lãi suất ưu đãi, nên các hộ dân đều phát huy được hiệu quả làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp như làm đất, thu hoạch lúa, tạo thêm việc làm và nguồn thu phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lượng vốn của chương trình cho vay đẩy mạnh cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các địa phương còn bị động, lúng túng khi triển khai chương trình. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ chưa rộng rãi khiến người dân ít tiếp cận được. Số lượt khách hàng và doanh số cho vay còn thấp. Chưa có nhiều ngân hàng thương mại khác tham gia cho vay. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, vai trò của các cấp, các ngành liên quan trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu làm chưa tốt. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chuyển giao còn nhiều bất cập, nhất là các công nghệ bảo quản, các mô hình cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch triển khai chậm. Để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân, cần tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc triển khai lồng ghép chương trình với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương, chính sách của Chính phủ, tích cực tham gia. Các ngân hàng thương mại cần tích cực quán triệt, triển khai cho vay chương trình hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để khách hàng biết và tiếp cận vốn vay./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com