Xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) có 12 xóm, 2 khu phố với 9.000 khẩu. Từ vài năm trở lại đây lượng rác thải sinh hoạt phát sinh bình quân 3 tấn/ngày của xã không được thu gom xử lý; dẫn đến việc người dân vứt bừa bãi quanh sông kênh, ao hồ trên địa bàn.
Ðể giải quyết rác thải sinh hoạt, trước đây xã đã thành lập các đội thu gom; bố trí bãi xử lý rác thải tập trung với diện tích gần 7.000m2 theo quy trình chôn lấp. Tuy nhiên, theo đồng chí Tống Xuân Trúc, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, từ vài năm nay, bãi chôn lấp rác thải tập trung của xã đã quá tải, xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ tường bao bị đổ, lượng rác thải nhiều khiến nước rỉ rác ngấm ra ruộng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Phía nam khu bãi chôn lấp rác thải cách xóm 8 xã Nghĩa Trung khoảng 200m, phía tây cách xã Nghĩa Thái 120m, phía bắc cách khu dân cư xóm 11 xã Nghĩa Trung khoảng 300m. Ðây là khoảng cách quá gần, không đạt quy chuẩn. Ðặc biệt, tháng 7-2016 cơn bão số 1 đã khiến toàn bộ tường bao khu chôn lấp bị đổ làm rác tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xóm 8 và xóm 11. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thành, sống ở xã Nghĩa Trung, do bãi chôn lấp rác thải nằm trong khu dân cư nên trong quá trình thu gom rác về tập kết, xử lý phải vận chuyển qua nhiều địa bàn, việc rơi vãi và bốc mùi của rác thải làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, vào mỗi buổi chiều gió lớn làm phát tán mùi xú uế từ khu chôn lấp rác thải vào các khu dân cư lân cận. Trước những bất cập kể trên, xã đã thống nhất chủ trương lựa chọn vị trí thích hợp để đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải mới theo công nghệ lò đốt thay thế công trình cũ.
Thi công xây dựng công trình xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt tại xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). |
Trước thực trạng trên, UBND xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng tiến hành khảo sát, tính toán để lựa chọn vị trí xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt mới bằng công nghệ lò đốt thay thế hình thức chôn lấp cũ. Xã đã lựa chọn địa điểm đầu tư bãi xử lý rác thải mới theo công nghệ lò đốt với diện tích khoảng 2.000m2 tại xóm 1, nằm phía trong đê, không gây ảnh hưởng đến nguồn nước sông Ðáy. Vị trí xây dựng khu xử lý rác thải cơ bản đạt quy chuẩn cách xa các khu dân cư 500m, chỉ còn 3 nhà dân chưa đảm bảo tuyệt đối quy định về khoảng cách với khu dân cư gồm: Hộ ông Tý ở phía bắc cách 300m, hộ các ông Vũ Văn Mong, Vũ Văn Ðiệu ở phía nam cách 462m và 465m. Sau khi cân nhắc, tính toán, chính quyền và ngành chức năng các cấp xác định đây là vị trí thuận tiện nhất trong điều kiện rất khó bố trí quỹ đất. Vì vậy, sau khi thông qua HÐND xã, UBND xã đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, được huyện đồng ý cho xã làm thủ tục hồ sơ trình UBND tỉnh ra quyết định cấp phép, giao đất cho UBND xã đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt. Tuy nhiên, khi tiến hành thì người dân phản đối không cho triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải mới với quan điểm công trình này quá gần với khu dân cư, với các công trình đời sống quan trọng và khu vực tâm linh cộng đồng. Trước những lo ngại của người dân, xã đã tập trung tuyên truyền, giải thích; tổ chức nhiều đoàn, trong đó có sự tham gia của đại diện người dân trong xã tới một số địa phương trong và ngoài tỉnh, tham quan học hỏi kinh nghiệm triển khai xây dựng các công trình xử lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn trong và ngoài tỉnh. Sau đó số đông nhân dân trong xã đồng thuận với quan điểm xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt là phương thức phù hợp có thể áp dụng tại địa phương. Tuy vậy, một số ít hộ dân vẫn tiếp tục phản đối xây dựng lò đốt rác này kéo dài từ năm 2017 cho tới nay theo nhiều phương thức gửi đơn thư kiến nghị, tố cáo tới các cấp chính quyền, tụ tập đông người, có hành vi gây rối ngăn chặn nhà thầu thi công...
Theo UBND huyện Nghĩa Hưng, khó khăn trong bố trí vị trí đất đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải không chỉ xảy ra ở riêng xã Nghĩa Trung mà còn là thực tế tồn tại chung của toàn huyện. Về quy hoạch cấp huyện, đến nay mới chỉ bố trí được một vị trí đầu tư công trình xử lý rác thải liên vùng ở thị trấn Rạng Ðông quy mô 7ha. Tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn đang xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp chôn lấp, theo lộ trình phát triển cần phải chuyển đổi sang công nghệ lò đốt. Tuy nhiên do một số bất cập, trong đó có sự chưa đồng thuận của người dân về vị trí đất xây dựng, chưa tự giác chi trả phí thu gom, xử lý rác thải khiến cho các xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thu hút doanh nghiệp đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Hướng tới giải quyết dứt điểm bất cập kể trên, hiện nay UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa Trung đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu muốn giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân, cùng với sự nỗ lực giải quyết của chính quyền, các ngành chức năng rất cần có thêm sự sẻ chia, đồng thuận của người dân trong phương án xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt. UBND huyện cũng yêu cầu tất cả các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ thu gom, xử lý rác thải là tiêu chí bắt buộc phải thực hiện nghiêm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao cũng như quy định của Luật Bảo vệ môi trường; đây còn là biện pháp hữu ích, thiết thực để bảo đảm giữ gìn cho người dân một môi trường sống an toàn, cảnh quan tươi đẹp. Vì vậy, toàn thể nhân dân cần chung sức, đồng thuận cùng chính quyền, ngành chức năng thực thi các quy định về bảo vệ môi trường theo đúng quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy