Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Kế hoạch số 859/KH-NAĐ ngày 14-10-2019 của NHNN Chi nhánh tỉnh về việc phối hợp triển khai thực hiện thu học phí, viện phí qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh, từ tháng 10-2019, các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn một số trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố để tổ chức thí điểm thu học phí, viện phí qua ngân hàng. Các ngân hàng thương mại tập trung phối hợp với các trường học, bệnh viện hướng dẫn cụ thể các bước tiến hành thu học phí, viện phí qua ngân hàng đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, an toàn, hiệu quả. Các trường học, bệnh viện được lựa chọn triển khai tuyên truyền, công khai thông tin để phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân hiểu về những lợi ích và tiện ích khi sử dụng các dịch vụ thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Sở Y tế đã ban hành Văn bản số 1308/SYT-TCKT ngày 17-10-2019 chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Mắt tỉnh thực hiện thí điểm thu viện phí qua ngân hàng và chỉ đạo các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai thu viện phí theo kế hoạch. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản số 1353/SGDĐT-KHTC ngày 22-10-2019 chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Khuyến và Trường THPT Trần Hưng Đạo thực hiện thí điểm thu học phí qua ngân hàng.
Sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí qua ngân hàng sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm thiểu rủi ro về tiền bạc. (Trong ảnh: Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Hiện tại, đối với việc triển khai thí điểm thu học phí tại 2 Trường THPT Nguyễn Khuyến và Trường THPT Trần Hưng Đạo, Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định đã làm việc và giới thiệu dịch vụ thu hộ học phí bằng hình thức thu trực tuyến và thu tại quầy. Tuy nhiên, cả hai trường còn đang thăm dò tham vấn ý kiến phụ huynh do nhiều ý kiến phản hồi lo lắng về thời điểm áp dụng trùng với thời gian ôn thi tốt nghiệp tập trung nên Trường THPT Nguyễn Khuyến đăng ký thực hiện trong năm học 2020-2021; Trường THPT Trần Hưng Đạo chưa thực hiện. Một số ngân hàng đã tích cực tiếp cận làm việc với các trường học khác trên địa bàn thành phố để đi đến thống nhất thời gian cũng như cách thức triển khai thực hiện. Trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đồng ý thu học phí qua Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định. Trường THCS Lộc Hoà đã mở tài khoản chuyên thu tại Agribank Chi nhánh Nam Định, sẵn sàng môi trường để triển khai việc thu học phí vào đầu năm học 2020-2021. Đối với dịch vụ thu viện phí, một số ngân hàng đã tiếp cận với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh để triển khai điểm thu viện phí qua ngân hàng. Đến nay, Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định đang tiến hành thương thảo hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh chưa thực hiện. Ngoài 2 đơn vị thực hiện điểm, các ngân hàng đã tiếp cận với Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Lao - Phổi Nam Định, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản Nam Định, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Trung tâm Y tế thành phố Nam Định và một số bệnh viện tuyến huyện, bước đầu các đơn vị đang khảo sát, nghiên cứu để triển khai thực hiện. So với các dịch vụ công khác, việc triển khai thanh toán viện phí, học phí qua ngân hàng vẫn chưa đạt kết quả xứng đáng với kỳ vọng đặt ra.
Lý giải tình trạng trên, đồng chí Ngô Lam Sơn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho biết: “Rào cản lớn nhất đối với thanh toán viện phí, học phí qua ngân hàng chính là thói quen của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên tiến độ kết nối giữa các ngân hàng với các bệnh viện, trường học cũng bị gián đoạn. Đối với các trường học, công tác truyền thông để phụ huynh, học sinh hiểu và phối hợp thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các phụ huynh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, người lao động, phụ huynh ở địa bàn nông thôn. Đối với trường mầm non, tiểu học, THCS; việc quản lý tài chính do UBND các huyện chỉ đạo thực hiện, Sở GĐ và ĐT chỉ quản lý về mặt chuyên môn đối với các trường gây khó khăn cho đầu tư hạ tầng kết nối dịch vụ ngân hàng. Còn đối với dịch vụ thanh toán viện phí bằng hình thức thanh toán qua thẻ khám, chữa bệnh cần phải chỉnh sửa, bổ sung phần mềm hệ thống quản lý bệnh viện nên mất nhiều thời gian trao đổi, làm việc giữa ngân hàng, bệnh viện và công ty đối tác cung cấp phần mềm để đi đến thống nhất thực hiện. Hầu hết các bệnh viện còn băn khoăn lo ngại về các thủ tục, quy định của pháp luật, phí dịch vụ ngân hàng nên chưa mạnh dạn triển khai thu viện phí qua ngân hàng. Các đối tượng khám, chữa bệnh đa phần là người già, hạn chế về trình độ công nghệ nên không “mặn mà” với các hình thức thanh toán mới so với truyền thống.
Với mục tiêu đến ngày 31-12-2020, 100% trường học, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ, NHNN chi nhánh tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo số 821/NAĐ-TH ngày 24-7-2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung đẩy mạnh tiếp cận với các trường học, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đặc biệt với khối trường học để triển khai thanh toán điện tử vào đầu năm học mới 2020-2021, sau đó tiếp tục triển khai đến các trường học, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn huyện. Theo đó, trước hết, các sở, ban, ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp giữa các trường học, bệnh viện với các đơn vị cung ứng dịch vụ, ngân hàng thương mại trong việc đẩy mạnh kết nối dịch vụ, thống nhất dữ liệu, phần mềm thanh toán. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học, bệnh viện xây dựng lộ trình cụ thể, giải pháp phù hợp triển khai bắt buộc để hoàn thành chuyển đổi sang thanh toán điện tử theo kế hoạch. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, ngân hàng, bệnh viện, trường học cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của bệnh nhân, phụ huynh về xu hướng, tiện ích của thanh toán điện tử. Đồng chí Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh khẳng định: “Một khi người dân đã được trải nghiệm dịch vụ thanh toán điện tử 1 lần và thấy được sự nhanh chóng, tiện lợi, chắc chắn sau đó họ sẽ không muốn dùng tiền mặt để thanh toán nữa”./.
Bài và ảnh: Đức Toàn