Yên Phương phát triển thương mại - dịch vụ

08:07, 28/07/2020

Là vùng quê thuần nông, những năm gần đây, xã Yên Phương (Ý Yên) đã khai thác tốt lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nay, thông qua nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều hộ gia đình đầu tư, phát triển và mở rộng kinh doanh dịch vụ, thương mại, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Hoạt động dịch vụ, thương mại đạt tốc độ tăng trưởng cao, phát triển cả về số lượng và loại hình kinh doanh với 7 doanh nghiệp tư nhân, 278 hộ kinh doanh, trở thành trung tâm khu vực miền thượng của huyện.

Chăn nuôi lợn quy mô hàng hóa tại gia đình anh Bùi Xuân Huế, xã Yên Phương.
Chăn nuôi lợn quy mô hàng hóa tại gia đình anh Bùi Xuân Huế, xã Yên Phương.

Đổi thay đến với người dân xã Yên Phương từ khi UBND xã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại dịch vụ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Xã đã tiến hành quy hoạch lại ruộng đất, khuyến khích người dân đầu tư khai thác phát triển kinh tế theo thế mạnh chăn nuôi, nuôi thủy sản, kinh tế vườn màu, mở rộng mô hình lúa - cá theo quy mô trang trại, gia trại tập trung… Đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, xã đã quy hoạch, chuyển đổi thành công hơn 60ha diện tích vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích thùng đào, thùng đấu ven đê để phát triển các trang trại, gia trại tổng hợp. Bên cạnh đó, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách cho đoàn viên, hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại từ các Ngân hàng NN và PTNT, CSXH. Đến nay, toàn xã có khoảng 600 hộ được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ lên đến gần 50 tỷ đồng. Được Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện, thường xuyên cử cán bộ trực tiếp đến từng hộ dân trao đổi nắm bắt thông tin và tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng trang trại của từng hộ dân nên công cuộc chuyển đổi sản xuất của Yên Phương đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tổng sản lượng sản phẩm trồng trọt hàng năm của xã đạt trên 4.000 tấn. Tổng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 59,79 tỷ đồng/năm; tăng trưởng 6,8%/năm. Tại khu vực chuyển đổi tập trung đã có hàng chục trang trại hiệu quả kinh tế cao với những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như gia đình các ông: Phạm Văn Dục, thôn Phù Cầu; Nguyễn Văn Huệ, thôn Cổ Hương; Trần Văn Minh, thôn Mỹ Lộc, Tô Văn Định, xóm Trung… Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Yên Phương như: thịt lợn, thịt gà, các loại cá truyền thống, cá đặc sản trạch đồng và rau màu vụ đông đã dần có uy tín trên thị trường. Năm 2020, trong khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhưng xã đã có 2 trang trại lợn tái đàn hiệu quả với quy mô hàng trăm con. Gia đình anh Bùi Xuân Huế, xóm 2, thôn Hữu Lô có kinh nghiệm nuôi lợn từ hơn 20 năm trước. Ngay sau khi được phép tái đàn, gia đình anh đã áp dụng đầy đủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học với 3 điểm mấu chốt là chọn con giống tốt, đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống, nước sinh hoạt an toàn và sát khuẩn chuồng trại để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Với quy trình chăm sóc đảm bảo kỹ thuật, đàn lợn của gia đình anh Huế sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã gây dựng lại được 20 con lợn nái và xuất bán trên 100 con lợn thịt. Tại vùng đất bãi ngoài đê bối, người dân quay vòng gieo trồng cây rau màu sớm, cây công nghiệp ngắn ngày có chất lượng cao với công thức luân canh, xen canh, gối vụ như khoai tây, ngô, lạc, đậu tương với xà lách, rau diếp, hành, tỏi… Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ngoài việc khuyến khích người dân phát triển ngành nghề phụ như mộc, nề, cơ khí, may công nghiệp, khai thác dịch vụ phương tiện vận chuyển, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, xã tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống ven trục đường chính phát triển dịch vụ hàng tiêu dùng thiết yếu. Đến nay dọc các trục đường khu vực Cổ Đam, cầu Bo, Phù Cầu, Mỹ Lộc và tuyến đường 485 đã trở nên sầm uất với các dịch vụ cung ứng hàng hóa như đồ tiêu dùng thời trang, mỹ phẩm, vàng bạc, đồ điện, điện tử… với thị trường tiêu thụ được mở rộng sang vùng lân cận của các tỉnh Hà Nam và Ninh Bình. Thu nhập bình quân từ thương mại dịch vụ của xã đạt gần 100 tỷ đồng/năm. 

Với định hướng đúng, cách làm hiệu quả, công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ ở Yên Phương đã giúp người dân trong xã làm giàu ngay tại quê hương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, đạt trên 54 triệu đồng/năm. Đặc biệt với ý chí biến “nguy” thành “cơ”, những khó khăn về vị trí địa lý, ngập lụt vào mùa mưa của vùng đất bãi vốn là trở ngại của xã bao nhiều năm nay đã được khắc phục tạo thành lợi thế của địa phương. Đây là cơ sở để xã Yên Phương tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 mà Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com