Chỉ số tiếp cận đất đai là một trong những chỉ số thành phần quan trọng trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giúp cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PCI 2019 cho thấy sau khi tăng điểm và thứ hạng liên tiếp trong các năm 2017-2018, chỉ số tiếp cận đất đai năm 2019 của tỉnh có xu hướng giảm điểm và nằm trong nhóm những tỉnh gần cuối bảng xếp hạng.
Đẩy nhanh tiến độ thi công Cụm công nghiệp Hồng Thuận (Giao Thủy) để cung ứng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. |
Cụ thể, chỉ số này của tỉnh đạt 6,28 điểm, xếp hạng 55/63, giảm 0,67 điểm và hạ 34 bậc so với năm 2018. Phân nhóm 11 chỉ tiêu cơ sở cho thấy so với năm 2018 có 3 chỉ tiêu được cải thiện gồm: Rủi ro bị thu hồi đất của doanh nghiệp đạt 1,46 điểm, tăng 7 bậc, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trung vị) giảm từ 44 ngày năm 2018 xuống còn 30 ngày năm 2019, bằng điểm trung vị của cả nước, tăng 44 bậc, xếp hạng 17-56/63; tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường đạt 80,74%, tăng 2,51%, tăng 3 bậc, xếp hạng 20/63. Tuy nhiên, chỉ tiêu thành phần số doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng nếu bị thu hồi đất được cải thiện nhưng vẫn hạ bậc, cụ thể đạt 35,09%, tăng 13,66% nhưng hạ 36 bậc, xếp hạng 17/63. Đáng bàn, có 7/11 chỉ tiêu giảm bậc và giảm sâu vị trí xếp hạng (giảm từ 14-42 bậc) so với năm 2018 gồm: số doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh chỉ còn 47%, giảm 1,6% về điểm, hạ 16 bậc, xếp hạng 25/63; doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất sạch chiếm 24,53%, tăng 13,62%, hạ 34 bậc, xếp hạng 46/63; số doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 43,68%, giảm 6,92%, hạ 25 bậc, xếp hạng 47/63; 26,42% doanh nghiệp đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, tăng 13,69%, hạ 28 bậc, xếp hạng 49/63; chỉ có 27,59% doanh nghiệp đánh giá không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trong vòng 2 năm qua, giảm 19,78%, hạ 42 bậc, xếp hạng 50/63; 15,25% doanh nghiệp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu, tăng 5,4%, hạ 25 bậc, xếp hạng 53/63; cá biệt 52,83% doanh nghiệp đánh giá việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng, tăng 18,28%, kéo vị trí xếp hạng của tỉnh giảm 14 bậc, xếp ở vị trí gần cuối của bảng xếp hạng (61/63). Ngoài ra, theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019, chỉ tiêu dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 1,65 điểm, xếp hạng 56/63 (giảm 0,1 điểm và hạ 18 bậc so với năm 2018), nằm trong nhóm 16 tỉnh thấp nhất cả nước. Các số liệu trên cho thấy cơ hội tiếp cận sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp có chiều hướng khó khăn hơn những năm trước, đặt ra yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải nỗ lực tăng cường các biện pháp thiết thực nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần giữ chân, thu hút các nhà đầu tư.
Theo đồng chí Bùi Công Mậu, Phó Giám đốc Sở TN và MT, thời gian tới ngành TN và MT sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương tập trung giải quyết bất cập về tạo quỹ đất sạch cung ứng cho nhà đầu tư. Trong đó, tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp tỉnh mới hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch; trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, đẩy mạnh phương thức giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp mặt bằng sạch để đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Sở cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao tính chủ động nắm bắt cụ thể, chi tiết và tăng cường công khai minh bạch, rộng rãi về thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quỹ đất tỉnh có thể cung ứng thông tin để người dân, doanh nghiệp nắm bắt. Tiếp tục rà soát quy hoạch của các ngành để thống nhất điều chỉnh cho phù hợp, khắc phục tình trạng các quy hoạch ngành không thống nhất, đồng bộ, phải điều chỉnh; rà soát thủ tục hành chính về đất đai, yêu cầu cán bộ phụ trách giải quyết thủ tục về đất đai phải nắm vững tất cả các thủ tục cần phải có để nâng cao hiệu quả hướng dẫn, tránh để doanh nghiệp phải đi lại, bổ sung hồ sơ thủ tục nhiều lần. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các bộ phận chuyên môn, công chức, viên chức có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, chậm giải quyết các thủ tục làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đối với những cán bộ, viên chức có dư luận là gây khó khăn, sách nhiễu, yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính thì phải thay đổi vị trí công tác; nếu tái phạm thì kiên quyết xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực đất đai còn chồng chéo, mâu thuẫn nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu đầy đủ các văn bản, quy định pháp luật của Trung ương và của tỉnh, nắm vững các thủ tục hành chính cần phải thực hiện để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ khi tiến hành làm thủ tục đầu tư nói chung, thủ tục về đất nói riêng; lựa chọn vị trí nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt và đã được cung cấp công khai đầy đủ, rõ ràng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử các địa phương để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Ngay từ khi lựa chọn vị trí đất cũng như trong suốt quá trình đầu tư, nhà đầu tư nên chủ động tiếp cận với lãnh đạo địa phương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, các sở, ngành liên quan để được trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy