Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới thời tiết diễn biến rất phức tạp, các đợt nắng, nóng còn xảy ra, đặc biệt là lượng mưa còn lại trong những tháng cuối năm rất lớn (trên 1.000mm), các đợt mưa to đến rất to có khả năng tập trung từ đầu tháng 8-2020 trở đi và có thể xảy ra ngập úng trên diện rộng đúng vào giai đoạn lúa bắt đầu hồi xanh, đẻ nhánh, đồng thời gây dư thừa lượng đạm cho lúa và tạo điều kiện cho sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá, bùng phát diện rộng.
Để đảm bảo chăm sóc, bảo vệ tốt các trà lúa mùa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đề nghị UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi quan tâm chỉ đạo tập trung hoàn thành gieo cấy lúa mùa trước ngày 15-7-2020. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng úng, trũng; chủ động máy bơm dã chiến, máy bơm di động để chống úng cho lúa, màu khi có mưa lớn xảy ra; duy trì mực nước nông cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, không để ruộng khô hạn; khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, chú ý không để ngập úng những diện tích lúa gieo sạ. Chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ dự phòng đến hết ngày 30-7-2020. Tổ chức chăm bón kịp thời cho lúa, màu sau gieo cấy đảm bảo nguyên tắc bón phân sớm, tập trung (nặng đầu, nhẹ cuối) và cân đối; tuyệt đối không bón đạm lai nhai, tăng lượng phân lân, phân kali, giảm lượng đạm để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, chống đổ tốt. Khẩn trương bón thúc lần 1 cho những diện tích lúa đã cấy từ 7-10 ngày, lượng phân đạm được bón tập trung chủ yếu cho lần thúc 1 để hạn chế bệnh bạc lá lúa và đốm sọc vi khuẩn. Tăng cường sử dụng phân bón hỗn hợp N-P-K của các doanh nghiệp uy tín, chất lượng. Lượng phân bón sử dụng cho 1 sào gồm: Phân lân, đảm bảo bón đủ 15-20 kg/sào; những diện tích bón lót chưa đủ 15-20 kg/sào cần bón bổ sung 5-7kg super lân ở lần thúc 1. Phân đạm urê, đối với lúa lai cần đảm bảo lượng bón 7-8 kg/sào (phía nam tỉnh bón 8 kg/sào, phía bắc tỉnh bón 7 kg/sào); đối với lúa thuần từ 5-6 kg/sào; lúa đặc sản từ 3-5 kg/sào. Phân kali, đảm bảo lượng bón 5-6 kg/sào. Cách bón cụ thể như sau: Đối với lúa cấy, tiến hành bón thúc lần 1 sau cấy từ 7-10 ngày. Đối với diện tích lúa cấy trước ngày 5-7, hoàn thành bón thúc lần 1 trước ngày 20-7; những diện tích lúa cấy sau ngày 5-7, hoàn thành bón thúc lần 1 trước ngày 30-7. Lượng bón, lúa lai 4kg urea + 3kg kali hoặc bón 10kg N-P-K (16-16-8) hoặc bón 13 kg N-P-K (13:13:13). Lúa thuần 3kg urea + 3kg kali hoặc bón 8kg N-P-K (16-16-8) hoặc bón 10kg N-P-K (13:13:13). Lúa đặc sản 2kg urea + 3kg kali hoặc bón 5kg N-P-K (16-16-8) hoặc bón 7kg N-P-K (13:13:13). Bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái - làm đòng), bón 3kg kali. Chỉ bón bổ sung phân đạm (1kg urea/sào) cho những diện tích lúa còn xấu. Đối với lúa gieo sạ, bón giảm 20% lượng phân đạm và tăng 15-20% lượng kali so với lúa cấy để lúa đứng cây, chống đổ tốt. Bón thúc lần 1 (khi lúa 2-2,5 lá) bón 30% lượng phân N-P-K (loại chuyên dùng bón thúc). Bón thúc lần 2 (khi lúa 5-6 lá) bón 70% lượng phân N-P-K (loại chuyên dùng bón thúc).
Tăng cường theo dõi và phòng trừ dịch hại, quan tâm làm tốt công tác thu thập mẫu rầy, mẫu lúa để giám định virus lùn sọc đen theo Kế hoạch số 1256/KH-SNN ngày 2-6-2020 của Sở NN và PTNT về tuyên truyền, tập huấn, quản lý giám sát bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa 2020 làm cơ sở tổ chức phòng trừ rầy lứa 4 vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Trước mắt, đối với lúa gieo sạ cần phun thuốc trừ rầy sau khi xuống giống từ 15-20 ngày (khi trên ruộng có mật độ rầy trên 300 con/m2 và nơi mẫu rầy phân tích có kết quả dương tính). Sử dụng thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Amira 25WP, Onera 300WG, Mikhada 20WP…), hoạt chất Imidacloprid (Midan 10WP, Sectox 100WP, Aicmidae 100WP...), hoạt chất khác (DupontTM PexenaTM 106SC, Chess 50WG, TVpymeda 350WP…). Sau 3 ngày phun thuốc nếu rầy còn mật độ cao cần tiếp tục phun trừ lại. Tích cực phát động và tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại; tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người, vật nuôi. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo thành công các mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” cho nông dân. Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn nông dân ghi chép số lượng, chủng loại các loại vật tư nông nghiệp, địa chỉ cung ứng; giữ lại bao bì, tem nhãn, hóa đơn mua vật tư, hóa chất làm cơ sở giải quyết khi có khiếu nại về chất lượng vật tư nông nghiệp và giúp truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Triển khai rà soát, thống kê diện tích bỏ ruộng hoang, mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, cơ cấu giống lúa vụ mùa năm 2020 và gửi kết quả thống kê về Sở NN và PTNT (theo biểu mẫu đính kèm qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) trước ngày 10-8-2020 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.
Văn Đại