Nghề trồng nấm và bài toán phát triển thị trường

08:07, 21/07/2020

Được mệnh danh là “vua của các loài rau”, nấm tươi đang dần trở thành quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của người dân. Ở tỉnh ta, nghề trồng nấm xuất hiện từ 20 năm trước và phát triển rầm rộ ở hầu hết các huyện, thành phố với hàng trăm hộ tham gia. Tuy nhiên, hiện tại, nghề trồng nấm chỉ còn gần chục hộ trong toàn tỉnh duy trì. Chưa thực sự tìm được chỗ đứng vững chắc, nghề trồng nấm của tỉnh đang cần thị trường ổn định và phát triển những công đoạn chế biến sâu để phát huy được hiệu quả như tiềm năng vốn có.

Anh Vũ Tuấn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) chăm bón nấm linh chi.
Anh Vũ Tuấn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) chăm bón nấm linh chi.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nghề trồng nấm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh. Trong đó nguồn nguyên liệu chính cho trồng nấm là rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, mỗi năm tỉnh ta có trên 1 triệu tấn. Lao động dôi dư nhiều. Hơn thế nữa, nghề trồng nấm không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như các loại cây trồng khác, vì đầu vào chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm), lại quay vòng vốn nhanh (20-30 ngày là có sản phẩm thu hoạch). Đây là phương thức phát triển kinh tế hộ đặc biệt ý nghĩa với những người có ít đất canh tác. Nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh được bắt đầu từ những năm 1990 nhưng phát triển mạnh vào thời điểm năm 2000 khi Trung tâm dạy nghề huyện Nghĩa Hưng bắt đầu thử nghiệm nuôi trồng và sản xuất giống nấm thành công. Tiếp đó, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) (Sở KH và CN) được Bộ KH và CN hỗ trợ thực hiện Dự án Xây dựng quy trình trồng và sản xuất giống nấm. Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất nấm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương cũng như chủ động công nghệ sản xuất giống nấm cung ứng cho người trồng nấm trên địa bàn. Đồng thời tổ chức chuyển giao công nghệ trồng nấm cho người dân ở cả 10 huyện, thành phố. Từ đó trồng nấm phát triển mạnh trên địa bàn và trở thành nghề thoát nghèo của người dân nhiều địa phương. Lúc cao điểm trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 hộ trồng nấm với sản lượng khoảng 500 tấn các loại, cho giá trị thu nhập hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên hầu hết các hộ trồng nấm sau vài ba vụ đều không tiếp tục sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng 10 hộ trồng nấm quy mô lớn ở các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy… Vì sao thế khi nghề trồng nấm có nhiều điều kiện thuận lợi. Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN Vũ Xuân Trung cho biết: So với cấy lúa và chăn nuôi thì trồng nấm không cần nhiều vốn, hiệu quả kinh tế cao lại tận dụng được nguyên liệu sẵn có, góp phần bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Nghề trồng nấm cũng không tiềm ẩn nhiều rủi ro trừ trường hợp bão gió làm đổ lán trại… Tuy nhiên, nấm là loại thực phẩm “kén khách”, phần lớn người dân chưa nhận thức được giá trị dinh dưỡng của nấm ăn; trong khi chi phí cao hơn thậm chí gấp đôi các loại rau khác nên người tiêu dùng còn hạn chế sử dụng khiến sản phẩm bị ứ đọng. Người dân hiện mới chỉ sản xuất các loại nấm thường như nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm mà chưa chú ý đến những dòng sản phẩm thị trường ưa chuộng như các loại nấm dược liệu, nấm cao cấp (đùi gà, nấm hải sản, nấm bào ngư…) nên đầu ra bị hạn chế. Công nghệ sau chế biến hầu như không có khiến cho sản phẩm bị hỏng ngay trong quá trình vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Những nguyên nhân này khiến cho nghề trồng nấm dần mai một.

Nhận thức rõ về hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững của nghề trồng nấm cũng như giá trị, xu hướng sử dụng nấm ở cả thị trường trong nước và quốc tế, một số chủ cơ sở sản xuất đã tìm tòi nghiên cứu giải quyết những khó khăn trên để duy trì nghề trồng nấm. Tại hợp tác xã (HTX) nấm Nhật Bằng xã Trực Thái (Trực Ninh), từ năm 2008, khi mà bà con vẫn còn xa lạ với những mô hình trồng nấm thì anh Bằng, chủ cơ sở đã mày mò đi khắp các địa phương tìm hiểu học nghề trồng nấm, đầu tư cơ sở vật chất tìm mua nguyên liệu, chủ động giống nấm phục vụ sản xuất và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật, sản phẩm nấm của gia đình anh luôn đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và mẫu mã đẹp hơn hẳn so với các sản phẩm khác cùng loại. Giữa năm 2015, thương hiệu nấm Nhật Bằng được hoàn thiện. Đến nay, cơ sở của anh liên tục phát triển, không chỉ tiêu thụ sản phẩm nấm của gia đình, anh còn bao tiêu sản phẩm nấm ăn cho nhiều hộ dân trong khu vực. Từ chỗ là khách hàng chuyên mua giống nấm của Viện Công nghệ di truyền (Bộ NN và PTNT) về trồng cấy, đến nay sản phẩm của gia đình anh lại được chính Viện đề nghị thu mua về chế biến. Tại HTX Nấm và TTCN Tuấn Hiệp, xóm 12, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) đã đầu tư công nghệ khép kín quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc liên hoàn như: nồi hơi, máy băm rơm, máy đảo trộn, đóng gói, thu mua nguyên liệu làm phôi, nuôi cấy giống, nuôi trồng, chế biến và cung ứng thành phẩm ra thị trường… Đồng thời chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng cấy các loại nấm cao cấp như nấm hoàng đế, nấm đùi gà, nấm kim phúc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức sơ chế nấm ăn thành sản phẩm ăn liền: rượu nấm, nấm dược liệu khô, giò nấm, nem nấm và nấm chiên giòn… nên thu hút sự chú ý của khách hàng. Trung bình mỗi năm, HTX Nấm và TTCN Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường 5 tấn mộc nhĩ khô, 20 tấn nấm sò tươi, gần 1 tấn nấm linh chi dược liệu và nhiều sản phẩm chế biến từ nấm. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, HTX còn xuất bán sang Trung Quốc sản phẩm nấm mèo (mộc nhĩ) khô. Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của HTX Nấm và TTCN Tuấn Hiệp không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho HTX mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. 

Những cách làm sáng tạo, luôn tìm kiếm giải pháp làm mới sản phẩm, phát triển thị trường đã giúp một số ít cơ sở trồng, chế biến nấm của tỉnh đứng vững. Đây là yếu tố quan trọng các cơ sở khác cần quan tâm nghiên cứu, học tập để giúp nghề trồng nấm ổn định và phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com