Nghề trồng cây cảnh lâu năm ở Điền Xá

05:07, 03/07/2020

Như nhiều chủ nhà vườn ở Điền Xá, hầu hết thời gian hàng ngày của ông Đỗ Văn Bình, xóm 22, xã Điền Xá (Nam Trực) gắn với vườn cây. Ông Bình bảo, dân làng nghề chúng tôi ai cũng vào nghề rất sớm, vì thế ông biết rõ từng gốc cây, thậm chí những vết nứt trên thân cây. Với người trồng cây cảnh lâu năm, để cho ra “một sản phẩm hoàn hảo” cũng cần khoảng 5 năm. Gắn bó lâu như vậy, các chủ nhà vườn quá hiểu đặc điểm, khả năng sinh trưởng, phát triển của từng loại cây. Nhà vườn của ông Bình rộng gần 8 sào với trên 1.000 gốc cây cảnh thuộc các chủng loại: sanh, si, tùng la hán, bách, mẫu đơn, nguyệt quế, thông, me, đa, sung, lộc vừng, vạn tuế… Cây ít nhất cũng có tuổi đời 5, 6 năm, cây nhiều thì trên 100 năm tuổi. Ông Bình “khoe” với chúng tôi về gốc me trên 100 tuổi mà ông phải cất công vào tận miền Nam mới mua được. “Đây là cây me cổ thụ, mỗi năm đều ra rất nhiều quả. Tôi mua cây me này đến nay cũng phải được trên chục năm, mất rất nhiều công sức vận chuyển, tiền bạc”, ông Bình cho biết. Ngoài cây me cổ thụ, trong vườn của ông còn có những cây cảnh có tuổi đời khá cao, giá trị kinh tế lớn như 5-7 cặp tùng mà ông rất “tự hào”. Dẫn chúng tôi đi thăm cặp tùng trên 50 năm tuổi, ông Bình bảo, có người trả trên 1 tỷ đồng nhưng chưa bán. Đây là cặp tùng do bố ông để lại, có trước khi ông ra đời. Cặp tùng này gắn bó với tuổi thơ của ông, kỷ niệm về những năm đói kém, những năm chuyển nhà, chuyển cây phải huy động anh em, họ hàng phụ giúp…

Ông Đỗ Văn Bình, xóm 22, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc vườn cây cảnh.
Ông Đỗ Văn Bình, xóm 22, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc vườn cây cảnh.

Nhiều “duyên nợ” nên mặc dù được giá, ông Bình vẫn không đành lòng bán cây. Theo ông Bình, nghề trồng cây cảnh lâu năm khác hẳn với trồng cây thời vụ, đòi hỏi trước hết ở sự công phu, chỉn chu với nghề. Để trồng được một cây cảnh hoàn chỉnh trên chậu, ông tìm mua cây phôi hoặc ươm phôi chính trong vườn nhà. Có những cây phôi đẹp ông phải mua với giá lên tới vài triệu đồng. Việc tạo tác cho cây phôi trở thành một cây cảnh nghệ thuật là cả quá trình kéo dài, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và đam mê. Dựa trên dáng thế có sẵn của phôi, dưới bàn tay uốn nắn, căn chỉnh của ông, mỗi “tác phẩm cây” ra đời là một sự sáng tạo khác nhau. Căn cứ vào từng thế cây, ông Bình tạo các dáng khác nhau. Đề cao sự thanh cao, ông chọn những cây có dáng hạc lập, dáng cương trực (trực siêu) bắt thế. Thể hiện nếp sống gia đình hòa thuận, tình cảm mẹ con ôm ấp thân thương, ông tạo dáng cây “mẫu tử tương thân”. Thể hiện sự dìu dắt của người cha đối với con trai dấn bước trên đường đời chông gai có dáng cây “phụ tử tương tùy”. Với những cây sanh có tuổi đời hàng vài chục năm, ông uốn dáng tạo cảm giác xum xuê, quây quần. “Có thể nói 1.000 cây trong vườn là 1.000 thế khác nhau, không cây nào giống với cây nào. Mỗi thế cây mang theo thông điệp, gửi gắm mong muốn của nghệ nhân hướng con người ta đến cuộc sống tốt đẹp, sống thiện lương, có tình nghĩa”, ông Bình cho biết thêm. Cũng như nhiều người làm cây cảnh khác ở Vị Khê, đối với mỗi cây cần tạo tác, ông Bình đều cố gắng thổi hồn vào thế cây, dốc hết tâm huyết, sự tỉ mỉ, kiên trì, hoa tay. Vì thế, không hiếm những cây cảnh phải mất tới gần chục năm mới hoàn thiện, cho ra một thế cây đẹp. Do vậy, quá trình chăm sóc, tạo thế từ cây phôi lên chậu cũng chính là công đoạn khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm sức hơn cả. Ổn định thế, dáng, ông đưa cây phôi lên chậu. Sau khi lên chậu, việc chăm sóc cây trở nên hết sức đơn giản. Cách khoảng 20-25 ngày ông lại cắt tỉa bông tay cho cây một lần. Riêng đối với giống tùng, 1 năm ông chỉ cắt tỉa 2 lần, lý do là dăm lá phát triển chậm nên không phải cắt tỉa quá nhiều. Hiện nay ở Điền Xá, ngoài những cây tùng “cha truyền con nối”, theo ông Bình một số nhà vườn đang nhập thêm các giống tùng cổ thụ từ Nhật Bản về bán. So với tùng Việt Nam, tùng Nhật Bản thường có tuổi đời cao hơn, kích thước thân cây, chiều rộng tán to hơn. Do đó, cây được định giá cao hơn, có thể lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên do được thị trường ưa chuộng nên các chủ nhà vườn vẫn nhập về bán.

Với lịch sử làng nghề trên 800 năm tuổi, nghề trồng hoa, cây cảnh từ lâu đã trở thành nghề chính đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các nhà vườn ở Điền Xá. Theo ông Bình, hầu như 100% hộ dân trong làng đều làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Các chủ nhà vườn ở đây làm cây theo truyền thống “cha truyền con nối”, giữ niềm đam mê với nghề. Với những người trồng và buôn bán cây cảnh lâu năm ở Điền Xá, họ cho biết, thị trường tiêu thụ luôn rộng mở. Các nhà vườn có khách quanh năm, không cứ vào mùa nào, dịp Tết họ bán được nhiều hơn. Từ làng nghề nức tiếng này, cây cảnh tỏa đi khắp cả nước, thậm chí sang tận nước ngoài. 2 năm trở lại đây, khi thị trường cây cảnh đã tương đối phục hồi, đặc biệt nhu cầu trang trí nhà cửa của nhân dân ngày càng cao, việc mua bán, trao đổi cây cảnh lâu năm ở Điền Xá cũng như nhiều làng nghề cây cảnh khác trong tỉnh đang tấp nập trở lại. Ông Bình có những khách hàng “trung thành” khắp trong Nam ngoài Bắc, đặc biệt là các khách hàng quen biết, mua cây nhiều năm ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Mỗi năm, trừ chi phí ông thu được trên 200 triệu đồng.

Ai đã từng đến Điền Xá sẽ có dịp được ngắm nhìn khung cảnh làng quê đẹp đẽ, yên bình nới đây. Đặc biệt, vào những dịp cuối năm, từ trên đê sông Hồng nhìn xuống, du khách sẽ thấy không gian Vị Khê bát ngát với những vườn hoa sắc thắm, cây cảnh, cây thế, bonsai chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân đê. Ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật sống bằng cây mới thấy hết những giá trị mà khó có loại hình nghệ thuật nào sánh được. Cây cảnh Vị Khê từ lâu đã được giới nghề đánh giá có vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, không lẫn với bất cứ đâu. Với đôi bàn tay tài hoa, kế thừa những tinh hoa hàng trăm năm của ông cha truyền lại, người dân Điền Xá đã khéo léo cắt tỉa, uốn cây, tạo ra những thế, dáng cây kỳ thú, đẹp mắt, mang đậm lối cổ xưa, ẩn chứa những triết lý nhân văn sâu sắc. Tâm huyết với nghề, nhiều nhà vườn cũng đang được các vườn cây trả về những “quả ngọt” xứng đáng, giúp đời sống ngày một sung túc, ấm no./. 

Bài và ảnh: Hoa Xuân
 



vườn nhật Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống https://caycanhsaigon.life/ Cây cảnh Sài GònGiải đáp deadline là gì Hiểu rõ deadline và tầm quan trọng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com