Theo kết quả xếp hạng PCI 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số Tính năng động của tỉnh ta đạt 6,05 điểm và xếp hạng 42/63; so với năm 2018 giảm 0,46 điểm và hạ 36 bậc. Theo VCCI, khi quyết định đầu tư vào đâu, các doanh nghiệp thường quan tâm tới 3 yếu tố: kỹ năng điều hành, hạ tầng và nguồn nhân lực; đặc biệt sự năng động của lãnh đạo địa phương cũng cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định sự lựa chọn, phương án đầu tư và cả định hướng phát triển của doanh nghiệp trong lộ trình dài hơi. Việc chỉ số năng động của chính quyền giảm điểm, tụt hạng sâu có thể khiến doanh nghiệp giảm mức độ tin tưởng khi cân nhắc tiếp tục đầu tư mới hay đầu tư mở rộng; đánh giá mức độ thân thiện giữa chính quyền với doanh nghiệp chưa cao; làm giảm sút sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của địa phương. Do vậy các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh phải khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt cải thiện chỉ số Tính năng động của chính quyền.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Giao Thuỷ hỗ trợ vốn vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương để phân tích nguyên nhân giảm điểm và xác định phương hướng, biện pháp cải thiện, nâng điểm các chỉ số thành phần PCI, trong đó có chỉ số Tính năng động của chính quyền. Qua phân tích cụ thể 9 chỉ tiêu cơ sở của chỉ số Tính năng động của chính quyền cho kết quả: chỉ có 1 chỉ tiêu được cải thiện, cụ thể 24,71% doanh nghiệp cho rằng chính quyền tỉnh thường “đợi xin ý kiến chỉ đạo”/“không làm gì cả” khi chính sách, pháp luật Trung ương có điểm chưa rõ dẫn đến giảm 5,59% so với năm 2018 (tăng 4 bậc, xếp hạng 23/63). So với năm 2018 có 8 chỉ tiêu còn lại chưa được cải thiện, bị giảm điểm gồm: 52,94% doanh nghiệp đánh giá lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện, tăng 4,16% so với năm 2018 (hạ 11 bậc, xếp hạng 15/63). 83,33% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan Nhà nước tỉnh, tăng 4,76% so với năm 2018 nhưng thứ hạng lại hạ 2 bậc (xếp hạng 27/63). 74,77% doanh nghiệp cho rằng có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành, tăng 0,07% so với năm 2018 (hạ 14 bậc, xếp hạng 29/63). 53,91% doanh nghiệp cho rằng thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, tăng 5,49% so với năm 2018 nhưng thứ hạng lại hạ 11 bậc (xếp hạng 33/63). 93,75% doanh nghiệp nhận được phản hồi của cơ quan Nhà nước tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc, giảm 2,8% so với năm 2018 (hạ 13 bậc, xếp hạng 38/63) - 61,32% doanh nghiệp đánh giá UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, giảm 3,31% so với năm 2018 (hạ 28 bậc, xếp hạng 50/63). 67,01% doanh nghiệp cho rằng vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại doanh nghiệp, giảm 9,91% so với năm 2018 (hạ 50 bậc, xếp hạng 53/63). 66,97% doanh nghiệp đánh giá UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân, giảm 11,85% so với năm 2018 (hạ 40 bậc, xếp hạng 63/63). Tổng hợp ý kiến phân tích của các sở, ngành địa phương cho thấy, nguyên nhân khiến chỉ số Tính năng động của chính quyền giảm điểm là do: Các địa phương khác đã bứt phá nhanh hơn Nam Định ở chỉ số tính năng động của chính quyền. Tính riêng trong vùng đồng bằng sông Hồng, đã có 9/11 tỉnh, thành phố tăng điểm (từ 0,07-1,73 điểm), chỉ có 2 tỉnh, thành phố giảm điểm (với mức giảm 0,46 điểm; Nam Định có mức độ giảm điểm lớn nhất so với Hưng Yên giảm 0,24 điểm). Đặc biệt việc UBND tỉnh vận dụng pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân chưa làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp nên chỉ tiêu này đứng ở vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng. Công tác đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp chưa hiệu quả, chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc rà soát, dự báo, tham mưu đề xuất hướng giải quyết các điểm vướng mắc, chưa rõ trong chính sách cấp Trung ương của các sở, ban, ngành tại tỉnh còn yếu, bị động; khi có vướng mắc xảy ra mới bắt đầu nghiên cứu, đề xuất, chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, khi có vướng mắc xảy ra, việc tham mưu cho UBND tỉnh của các ngành để kết nối với các bộ, ngành Trung ương để hướng dẫn chính sách vẫn còn chậm, thiếu quyết liệt khiến tiến độ giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp còn chậm.
Để nâng cao Tính năng động của chính quyền, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương cần chủ động phát huy vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nắm bắt và xử lý các vấn đề chính sách, tích cực trong việc xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và tổ kiểm tra công vụ của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tiếp nhận và phản hồi trong quá trình giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần tạo sự minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn tồn đọng. Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và thực hiện các quy định của Nhà nước. Duy trì tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị trong tỉnh trong việc giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi của cán bộ công chức về các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thanh, kiểm tra, giải quyết TTHC về đất đai, thuế... Tạo sự công bằng trong thực hiện TTHC, tiếp cận đất đai, giải quyết khó khăn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy