Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên cát

06:07, 20/07/2020

Để hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, cũng như gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, các ngành, các địa phương đã tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên cát.

Khai thác cát ven đê hữu sông Hồng thuộc địa phận thành phố Nam Định.
Khai thác cát ven đê hữu sông Hồng thuộc địa phận thành phố Nam Định.

Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đánh giá đầy đủ tiềm năng cát lòng sông, cát ven biển (cả về số lượng và chất lượng) để xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên cát, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu phục vụ san lấp xây dựng những công trình lớn, trọng điểm, đáp ứng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, quy hoạch khai thác cát trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 52/2012/QĐ-UBND ngày 10-1-2012. Trong đó khoanh định 12 điểm mỏ được phép khai thác trên 4 tuyến sông lớn. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 19-3-2013 về việc đính chính trữ lượng quy hoạch khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó bổ sung 1 điểm mỏ cát Giao Thiện được phép khai thác phục vụ nuôi thuỷ sản. Ngày 18-2-2016 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch khai thác cát trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (khoanh định thêm 3 khu vực được phép khai thác: Khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng; khu vực ven biển huyện Giao Thuỷ; khu vực cửa Đáy). Theo đó, quy hoạch khai thác cát tỉnh đến năm 2020 có tổng diện tích là 6.185,5ha, tổng trữ lượng cát là 206 triệu 347 nghìn m3. Trong đó gồm 12 điểm mỏ cát sông trên 4 tuyến sông lớn (diện tích 214ha; tổng trữ lượng trên 8,93 triệu m3); 2 khu vực khai thác cát cửa sông ven biển (Mỏ cát Giao Thiện, diện tích 50ha; khu vực cửa Đáy, diện tích 139ha); 2 khu vực khai thác cát ven biển (khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, diện tích 3.558ha; khu vực ven biển huyện Giao Thủy, diện tích 2.224ha; với tổng trữ lượng 197.387 nghìn 800m3). Ngoài ra, quy hoạch đã khoanh định các khu vực cấm khai thác khoáng sản. Quy hoạch khai thác khoáng sản đã phê duyệt được tổ chức công khai, quản lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản trên theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, tổng số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản cát là 3 đơn vị với tổng trữ lượng cấp phép 7 triệu 292 nghìn m3 cát, bằng 3,5% trữ lượng theo quy hoạch. Trong đó, năm 2016, thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 5-5-2016 của UBND tỉnh, đã tiến hành đấu giá 3 lô mỏ cát gồm: lô số 1, lô số 2 khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng (Công ty CP Sông Đà - Hà Nội là đơn vị trúng đấu giá); Lô số 1 khu vực cửa Đáy (Công ty TNHH Tuấn Sinh là đơn vị trúng đấu giá). Đến nay, cả 2 đơn vị trúng đấu giá đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ và được cấp phép khai thác cát theo quy định. Năm 2018, thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 8-9-2017 của UBND tỉnh, đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát đối với 6 lô cát tại khu vực ven biển huyện Giao Thủy. Hiện nay, các đơn vị trúng đấu giá đã tiến hành thăm dò và được phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đã và đang lập các thủ tục tiếp theo để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Năm 2019, thực hiện Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 19-3-2019 của UBND tỉnh, đã tổ chức đấu giá theo Luật Đấu giá khu vực S2, mỏ cát Giao Thiện, trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Giao Thiện (Giao Thủy) phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản (ngao) trên địa bàn (Công ty CP Thuỷ sản Xuân Thuỷ là đơn vị trúng đấu giá). Công ty đã lập hồ sơ đề nghị khai thác khoáng sản và được cấp giấy phép khai thác mỏ cát khu vực S2 thuộc mỏ Giao Thiện cho Công ty CP Thủy sản Xuân Thủy trong thời gian 10 năm. Bên cạnh đó, còn 2 khu vực đang triển khai thực hiện thủ tục đấu giá khai thác khoáng sản đang được các đơn vị có liên quan triển khai các thủ tục để lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác cát theo quy định gồm: 6 lô cát (từ lô 14 đến lô 19) thuộc quy hoạch khai thác cát khu vực ven biển Nghĩa Hưng với tổng trữ lượng theo quy hoạch khoảng 17 triệu 800 nghìn m3 trên tổng diện tích 600ha. Ngày 4-6-2020, UBND tỉnh đã có Văn bản số 474/UBND-VP3 cho phép lập kế hoạch khai thác khoáng sản cát tại khu vực mỏ cát ven biển huyện Giao Thủy để tiếp tục phục vụ san lấp các công trình lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý tài nguyên cát của các cấp chính quyền, UBND tỉnh đã căn cứ quy định của Luật Khoáng sản, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tăng cường quản lý, phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản như: Quyết định số 2810/QĐ-UBND ngày 7-12-2017 về việc giao khu vực bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn các huyện, thành phố; Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 14-3-2018 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 2-5-2018 về ban hành quy định trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1275/QĐ-UBND ngày 19-6-2018 về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình trong công tác quản lý khoáng sản ở các khu vực giáp ranh. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (có hiệu lực thi hành từ ngày 10-4-2020). UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường, kiểm tra, giám sát nhóm đối tượng chính phải thực hiện các quy định theo Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ gồm: Các cơ sở thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi và khoáng sản trên sông, vùng cửa sông ven biển; hoạt động nạo vét, khơi thông luồng; tu sửa, bảo dưỡng các tuyến giao thông thủy nội địa; kè bờ, gia cố bờ sông; xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi và các công trình thủy khác trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc trong lòng, bờ, bãi sông, hồ phải chấp hành. Trong đó, yêu cầu các cơ sở hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoáng sản phải nghiêm túc thực hiện các quy định về thời gian được phép khai thác khoáng sản trong ngày (từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm); phải triển khai khắc phục các bất cập, thực hiện nghĩa vụ tài chính hàng năm theo quy định của Luật Khoáng sản 2010; rà soát hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, thời hạn khai thác, lập hồ sơ đề nghị gia hạn khai thác theo quy định. Thực hiện việc lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác, thống kê kiểm kê trữ lượng mỏ; triển khai lập, trình phê duyệt và thực hiện Đề án đóng cửa mỏ sau khi giấy phép hết hạn, cơ sở không còn nhu cầu khai thác hoặc hết trữ lượng khai thác theo quy định. 

Việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng hợp lý, hiệu quả đã góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com