Giai đoạn 2015-2020, cơ cấu kinh tế của huyện Nam Trực chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 67,84%, dịch vụ chiếm 21,16%. Trong đó công nghiệp tiếp tục khẳng định là ngành chiến lược, vai trò nền tảng của nền kinh tế huyện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm ước đạt 6.273 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt gần 8.200 tỷ đồng giúp huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nam Tiến xã Nam Tiến (Nam Trực). |
Đạt được kết quả kể trên là do huyện đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Trong đó, công tác cải cách hành chính được huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ hành chính từ cấp huyện đến cấp xã; Chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính (TTHC) bằng các quy trình TCVN ISO 9001:2015 nhằm hệ thống hóa quá trình xử lý các TTHC theo quy định pháp luật; Kịp thời cập nhật, bổ sung áp dụng các TTHC ban hành mới, niêm yết, công khai đầy đủ bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để người dân, doanh nghiệp thuận lợi nhất trong tiếp cận và thực hiện đúng, đủ quy trình. Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn được các cấp chính quyền, ngành chức năng đồng hành trong giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp phép đầu tư, xây dựng. Huyện cũng quan tâm huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế theo hướng đồng bộ. Hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư với nhiều công trình mang tính kết nối cao, phục vụ thúc đẩy sản xuất như: cải tạo tuyến Quốc lộ 21B và 2 tuyến tỉnh lộ 487 (đường Đen), 487B (đường Trắng) với tổng chiều dài 3 tuyến là 38,7km; nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng 44,34km của 7 tuyến đường trục huyện (đường Hoa Lợi Hải, Tiến Thái, Bình Sơn, Thanh Khê, Nam Ninh Hải, Mỹ Điền, An Thắng); nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn giao thông nông thôn 98,91km đường liên xã, trục xã; cải tạo đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới 50% các tuyến đường trục thôn, đường dong ngõ, xóm. Huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp tập trung Vân Chàng, Đồng Côi - thị trấn Nam Giang giai đoạn II với tổng mức đầu tư 193 tỷ đồng để tạo điều kiện về mặt bằng thu hút đầu tư. Nhờ đó, 5 năm qua, huyện đã thu hút thêm 5 doanh nghiệp đầu tư mới với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Trên toàn huyện còn thành lập mới 610 cơ sở sản xuất công nghiệp, nâng tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 3.576 cơ sở. Huyện cũng tập trung hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất. Đáng chú ý là các dự án hỗ trợ công tác khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường để đảm bảo duy trì sản xuất tại hai làng nghề cơ khí Vân Chàng, Bình Yên. Đến nay, 10 làng nghề mới và 3 làng nghề truyền thống của huyện được duy trì phát triển với tổng số 5.344 hộ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh sự tích cực tạo điều kiện, hỗ trợ từ phía chính quyền, nỗ lực tự thân vượt khó, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh của chính các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong kết quả chung toàn huyện đạt được. Theo đại diện Công ty CP Nam Tiến (Nagaco Nam Tiến), đại dịch COVID-19 khiến Công ty thiếu hụt nguyên liệu khi Trung Quốc đóng cửa khẩu đường biên; tiếp đó sức mua toàn cầu sụt giảm khiến các đơn hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu của Công ty bị cắt giảm. Công ty đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, tiếp cận đối tác, chuyển hướng, sản xuất khẩu trang để duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, giảm sức mua nhưng dự kiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm may mặc sẽ bắt đầu phục hồi ở nhóm sản phẩm cơ bản, giá cả hợp lý. Hiện tại, Công ty tiếp tục sản xuất các mặt hàng khẩu trang nhằm tận dụng nhu cầu tại các thị trường nước ngoài đang được dự báo vẫn ở mức cao; chủ động chuẩn bị nguồn cung nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; đặc biệt chú trọng duy trì toàn bộ hệ thống của Công ty ở trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường với công suất cao ngay khi thị trường có dấu hiệu phục hồi. Công ty CP Kết cấu thép Việt Thắng, Cụm công nghiệp Đồng Côi được huyện đánh giá là đơn vị luôn nỗ lực phát huy nội lực. Trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc phải chịu tổn thất lớn dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng Ban giám đốc Công ty đã phát huy kinh nghiệm trải qua nhiều thăng trầm (trong đó có đợt suy thoái kinh tế năm 2008); nhờ có nguồn vốn tích lũy lớn xử lý linh hoạt kế hoạch sản xuất kinh doanh trước mọi diễn biến của thị trường, chủ động nguồn nguyên liệu, vận động công nhân duy trì phong trào thi đua lao động, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm để giữ vững uy tín, thương hiệu, giữ chân bạn hàng. Nhờ đó, Công ty không chỉ thực hiện thắng lợi mục tiêu đảm bảo việc làm cho toàn bộ người lao động mà còn phát triển thêm nhiều đơn hàng lớn; tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà máy mới với tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng, trong đó Công ty đã trang bị hệ thống thiết bị tự động robot, đây là một trong những hệ thống tương đối mới so với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như miền Bắc. Nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần chung sức cùng các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép “vừa tập trung phòng chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội”.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,5%/năm, thời gian tới huyện Nam Trực tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở vừa phát triển các ngành công nghiệp chủ lực vừa khôi phục tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và phát triển nghề mới; thực hiện chương trình đưa công nghiệp về nông thôn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy