Trên những con đường làng phẳng phiu chạy vào xóm Tân Ðệ, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng người rao “ai bán hòe đi”… báo hiệu cây hoa đã vào mùa. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Thịnh cũng đã có 5-6 năm trồng hoè. Ðể trồng hoa hòe, ông Thịnh chọn mua các cây giống đã được ghép cẩn thận với giá dao động từ 15-30 nghìn đồng/cây. Ngoài ra, ông cũng tự mình cắt ghép một số gốc trong vườn. Ðể ghép cây, ông lấy những mắt ghép từ cây có hoa to, ghép sang cây con trồng từ hạt.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, xóm Tân Đệ, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), chăm sóc cây hoa hòe. |
Theo ông Thịnh, có 2 thời điểm để ghép hòe hợp lý là vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4 và mùa thu từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Ưu điểm của phương pháp ghép là cây cho tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu, hoa to bông. Ngoài trồng bằng phương pháp ghép, một số hộ gia đình còn trồng hòe theo cách gieo hạt truyền thống. Theo đó, họ chọn những cây hòe có chùm hoa to, nhiều nụ (bà con thường gọi là hòe nếp), chọn những quả đã chín, tách hạt và có thể ươm ngay. Ưu điểm của phương pháp này là cây cho tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu, chất lượng hạt tốt hơn. Tuy nhiên nếu trồng theo cách gieo hạt phải mất ít nhất 3 năm cây mới cho thu hoạch. Ðể đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển tốt nhất của cây hòe, trên diện tích 1 sào vườn, ông Thịnh chỉ trồng từ 22-30 cây. Ông Thịnh cũng tính toán quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho hòe một cách hợp lý, căn cứ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Theo đó, đối với thời kỳ cây con, 1 năm ông Thịnh sẽ bón phân đạm, lân, kali cho cây từ 3-4 lần theo nguyên tắc cây còn nhỏ bón ít, khi lớn bón nhiều, chỉ bón phân khi đất đủ ẩm. Khi cây ở vào thời kỳ thu hoạch, ông tăng cường bón thêm phân. Cũng theo ông Thịnh, để cây hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, vào mùa xuân nên chọn tháng 2 để bón phân nhằm đón “lộc xuân”. Vụ hè từ tháng 4-5, ông bón phân đón “lộc hè” cho cây. Ông Thịnh chia lượng phân bón cho cây theo tỷ lệ, 30-40% lượng phân bón vào vụ xuân, vụ thu từ tháng 10 trở đi, ông bón hết số phân còn lại để cây có đủ chất dinh dưỡng cho vụ đông, kết hợp tỉa cành tạo tán cho cây. Khi cây cao 1,2-1,5m, ông tiến hành bấm ngọn cho cây ra nhánh. Trên một cây hòe, ông Thịnh chỉ giữ lại từ 4-5 cành chính, sau đó tiếp tục bấm ngọn cành để tạo cành cấp 2 cho đến khi có bộ khung tán phân bố đều là được. Ðể cây hòe phát triển tốt nhất, ông Thịnh còn rất chú ý đến việc cung cấp nước cho cây. Mặc dù chịu hạn tốt nhưng vào những tháng hè nắng nóng, 2 lần/ngày ông đều đặn tưới cho cây. Là giống cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, thời tiết, có tính kháng sâu bệnh cao nhưng cây hòe vẫn mắc một số loại bệnh như sâu đục thân. Ðể phòng trừ bệnh cho cây, ông Thịnh cạo vỏ thân cây và phun thuốc trực tiếp chỗ phát hiện có sâu. Ðược chăm sóc tốt, sau hơn 1 năm, các gốc hòe của ông Thịnh đã cho thu hoạch. Theo tính toán của ông, bình quân mỗi cây hòe cho thu hoạch khoảng 5-6kg nụ khô/năm. Thậm chí, có những gốc hòe đạt tới 10kg nụ khô/năm. Với gần 70 gốc hòe, mỗi vụ ông Thịnh thu hoạch được khoảng trên 2 tạ hòe khô. Hiện nay giá bán 1kg hoè khô là 80 nghìn đồng/kg nụ, ông Thịnh nhẩm tính gần 3 sào hoè của gia đình thu về từ 16-18 triệu đồng. “Nếu 5-6 năm trước, giá 1kg hoè khô dao động từ 180-190 nghìn đồng/kg thì mức giá hiện nay còn chưa bằng một nửa. Giá hòe xuống thấp kéo theo thu nhập của các hộ gia đình trồng hòe giảm xuống. Tuy nhiên so với trồng các loại nông sản như lúa, ngô, khoai, lạc… thì trồng hòe vẫn cho thu nhập cao hơn. Quan trọng hơn, trồng hòe rất nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, giống… thấp. Do hiệu quả kinh tế của cây hoa mang lại, một số hộ gia đình ở Mỹ Tân cũng như trên địa bàn tỉnh vẫn gắn bó với cây hòe. Các hộ trồng nhiều có thể kể đến như gia đình ông Toán, xóm Tân Ðệ, ông Cường, xóm Phụ Long... Cây hòe ở Mỹ Tân hiện được bà con nông dân trồng như cây lưu niên, cây bóng mát. Họ tận dụng mọi diện tích đất có thể từ sân, ngõ, ven đường, bờ ao… để trồng hòe. Theo quan sát của chúng tôi, dưới mỗi gốc hòe, gia đình ông Thịnh còn trồng thêm bí đỏ, mít, các loại rau thơm, rau ăn hàng ngày… cho thêm thu nhập không hề nhỏ.
Ra hoa hầu như quanh năm, đặc biệt cho thu hoạch rộ trong khoảng từ tháng 5 đến cuối tháng 8, mùa hòe hiện đang vào chính vụ. Hương hoa vương vấn khắp xóm ngoài làng, quấn chân người đi xa về gần. Tháng 9 trở đi, khi trời nổi gió heo may, hoa ít dần và chất lượng hoa cũng kém hẳn. Chọn những cành có chùm hoa lớn, nụ đã cương to sắp bung hoa, ông Thịnh cẩn thận bẻ hết phần cành hoa, tránh bẻ sâu vào cành cấp thấp, giúp cây nhanh ra hoa trở lại. Theo ông Thịnh, tuyệt đối không bẻ những cành non hoặc có hoa đã nở vì năng suất sẽ giảm. Chọn một ngày nắng vàng rực rỡ, vợ chồng ông nhanh tay tãi những nụ hòe tươi ra sân để phơi nắng. Ðược nắng, nụ hoa càng trở nên trắng sáng và thơm hơn bao giờ hết. Ông Thịnh vừa phơi vừa hít hà mãi hương thơm của loại cây mà vợ chồng ông dành hầu như thời gian trong ngày để chăm sóc. Nhìn cách ông nâng niu những nụ hòe trong tay, chúng tôi cũng như những người trồng hòe mong cây sẽ nhanh về thời kỳ hoàng kim, giải “khó” cho bà con nông dân để họ yên tâm gắn bó với đồng ruộng, các cây trồng quen thuộc. Mùa hòe này, vì thế lại “chở” theo hy vọng cho những mùa hòe sau./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân