Thông tin về vụ việc kho hàng lậu khủng giữa trung tâm thành phố Lào Cai bị lực lượng chức năng triệt phá vào chiều 7-7 vừa qua khiến người tiêu dùng, đặc biệt là các tín đồ hàng hiệu online, giật mình sững sờ và bức xúc. Ngay giữa trung tâm thành phố Lào Cai tồn tại một kho hàng lậu, hàng giả với diện tích tới 10 nghìn m2, “còn lớn hơn cả chợ Cốc Lếu”.
Thông tin trên các báo cho biết, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định sơ bộ trong kho hàng này có chứa tới hàng vạn sản phẩm giày, dép, đồng hồ đeo tay, kính mắt và hàng tiêu dùng… nghi giả nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... Trong kho thường xuyên bố trí 3-5 nhân viên chuyên livestream cùng gần 40 nhân viên trực máy tính chốt đơn hàng. Kho hàng hoạt động từ cuối năm 2018, nguồn nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc), phân phối sỉ, lẻ trong toàn quốc qua các kênh chuyển phát nhanh. Thậm chí ở thời điểm kho hàng bị lực lượng chức năng đột kích vẫn còn xe vận chuyển hàng của Viettel Post đang đỗ bên trong chờ xếp hàng. Các mặt hàng tại kho được nhóm bán hàng tổ chức livestream quảng cáo bán trên các trang Facebook có tên: Trần Thành Phú (Phú Nông Dân), Thảo Trần, Giày đồng giá,... Mỗi ngày, nhóm bán hàng chốt thành công cả nghìn đơn hàng; doanh thu mỗi tháng lên tới cả chục tỷ đồng!
Trao đổi với báo chí, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ cuối năm 2019, cơ quan này đã phát hiện đường dây lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ tại Lào Cai. Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất vất vả trong quá trình đấu tranh triệt phá vì đường dây này hoạt động 100% trên internet, giao dịch nhanh thông qua livestream, giới thiệu trực tiếp. Phải mất thời gian dài thu thập đầy đủ thông tin, lực lượng Quản lý thị trường mới phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để đột kích kho hàng. Khi được mời đến ký biên bản, lãnh đạo phường sở tại nơi có kho hàng mới biết trong kho có hoạt động kinh doanh lớn như vậy(?!).
TMĐT phát triển là một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số hiện nay. Đặc biệt dịch bệnh COVID-19 bên cạnh những tác động tiêu cực khôn lường tới mọi mặt đời sống xã hội thì cũng được các chuyên gia đánh giá là mang lại cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái online cũng cho thấy mặt trái khó lường của sự phát triển này. Hầu như không có mấy người từng mua hàng online mà không từng bực bội, bức xúc rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, nhất là khi mua các mặt hàng tiêu dùng có xuất xứ nước ngoài, hàng xa xỉ, hàng hiệu... Có không ít người âm thầm “ngậm đắng, nuốt cay” về những món “hàng hiệu ngoại nhập đắt tiền” mua được lại là hàng giả, hàng nhái có giá trị thực chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tiền bỏ ra, chưa kể đến những tổn thương về tinh thần! Hàng giả, hàng nhái gây hại khôn lường cho sản xuất kinh doanh chân chính, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế toàn cầu, lực lượng doanh nghiệp đang bị tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Trên facebook, rất nhiều người từng than vãn về một vài món hàng vô giá trị nào đó mua phải của những người kinh doanh online theo kiểu chộp giật. Tuy nhiên, phản ứng của những người này thường là tặc lưỡi cho qua hoặc vì người bán là “chỗ quen biết”, hoặc không thể liên lạc phản hồi trở lại người bán hàng, thậm chí nếu có liên lạc được thì quá trình đổi trả cũng rất nhiêu khê, mất thời gian mà chưa chắc đã đạt yêu cầu?! Chính tâm lý này của khách hàng và sự lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chức năng đã tạo “đất sống” cho kinh doanh online chộp giật, lừa đảo. Ngoài ra, tâm lý chuộng hàng hiệu nhưng lại thiếu hiểu biết, kinh nghiệm, kiến thức thị trường của không ít khách hàng khiến nhiều người dễ dàng bị lừa mua hàng hiệu rởm.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh trực tiếp theo phương thức truyền thống từ lâu vốn đã vô cùng phức tạp, nan giải. Đối với kinh doanh online có sự hỗ trợ của công nghệ số thì việc đấu tranh phòng, chống càng khó khăn phức tạp gấp bội. Số liệu về doanh thu lên đến cả chục tỷ đồng mỗi tháng của chủ kho hàng trong vụ việc bị phát hiện ở Lào Cai vừa qua cho thấy sức hấp dẫn của kiểu kinh doanh này với đối tượng kinh doanh, còn với người tiêu dùng, nhà sản xuất và cả nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề đến mức nào. Có không ít người, trong đó không loại trừ cả công chức, viên chức “tranh thủ kinh doanh kiếm thêm thu nhập” vô tình bị lôi kéo tham gia vào hoạt động phạm pháp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đó.
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; đến năm 2025 Việt Nam có thị trường TMĐT đứng trong Top 3 ASEAN. Cùng với các giải pháp để thực hiện mục tiêu này thì công tác chống hàng giả, hàng nhái kinh doanh online cũng hết sức phức tạp.
Trong 6 nhóm giải pháp lớn để thực hiện Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân và doanh nghiệp hiểu, tăng cường trình độ nhận biết, ứng phó với những hành vi tiêu cực trong TMĐT. Trong cuộc chiến này, đi đôi với trách nhiệm, năng lực của cơ quan quản lý thì ý thức, thái độ của người tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng quyết định sự thắng lợi. Chỉ khi người tiêu dùng kiên quyết nói “không” với hàng giả, hàng nhái, cảnh giác trước hàng hóa “có thương hiệu, ngon, bổ lại rẻ vì khuyến mại giảm giá kịch sàn”... thì hàng giả, hàng nhái mới khó có đất sống và bị tiêu diệt./.
Vân Thi