Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên lại là một “cú huých” mạnh làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Để thúc đẩy phát triển TMĐT khắc phục hạn chế thương mại truyền thống, tiệm cận với nền kinh tế số, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp hậu COVID-19.
Kiểm soát hàng hóa giao dịch thương mại điện tử tại Công ty Bưu chính Nam Định. |
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TMĐT đã có cơ hội phát triển vượt bậc với phương thức làm việc, học tập, giao dịch thương mại trực tuyến. Trong đó, các doanh nghiệp lớn thực hiện trao đổi hợp đồng, thanh toán hóa đơn, phân tích mẫu hàng hóa; điều hành sản xuất trực tiếp trên môi trường mạng; các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tổ chức quảng cáo, tăng cường hoạt động bán hàng qua điện thoại, qua mạng và giao hàng tại nhà. Nhiều cửa hàng chuyên doanh ăn uống, đồ tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố cũng nhạy bén, tham gia sâu hơn vào TMĐT như xây dựng website, fanpage, lập tài khoản Facebook, Zalo riêng để bán hàng ngay trong mùa dịch bệnh hoặc đầu tư gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang bán hàng điện tử lớn như Lazada, Tiki... Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ quán NIGHT Cafe (thành phố Nam Định) cho biết: Nhờ có tiếng với một số đồ uống đặc trưng như cafe, trà hoa thảo mộc nên trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, quán vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng online; sau thời gian này chúng tôi có thêm nhiều khách hàng mới. Đến nay, việc bán hàng online của quán chúng tôi vẫn duy trì và số lượng khách hàng tiếp tục được mở rộng… Kinh doanh online phát triển đã giúp giá trị ngành dịch vụ trong nửa đầu năm vẫn có mức tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất ngành dịch vụ toàn tỉnh tăng 1,6%... Kết quả này có sự đóng góp tích cực của việc ứng dụng TMĐT.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khi cả xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới vừa lao động, sản xuất, học tập vừa phòng chống dịch, xu hướng giao dịch TMĐT có phần giảm xuống. Rất nhiều dịch vụ không còn duy trì giao dịch online. Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa chuyên nghiệp như siêu thị không còn quảng cáo dày đặc, dành nhiều thời gian cho việc đăng tải thông tin, chăm sóc khách hàng và bán hàng online như giai đoạn trước đây. Chị Trần Thúy Hằng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) tín đồ mua sắm online cho biết: Trong thời gian cách ly xã hội, một ngày tôi nhận được rất nhiều thông báo bán hàng của các siêu thị trên địa bàn. Tuy nhiên từ sau khi hết giãn cách xã hội thì không còn nhận được thông tin gửi đến khách hàng nữa nên tôi lại phải đi tìm sản phẩm từ kênh tiêu thụ truyền thống hoặc chủ động vào trang web của doanh nghiệp để tìm thông tin. Bất cập này khiến nhu cầu mua sắm có phần giảm sút. Như vậy việc các doanh nghiệp lơ là kênh thông tin TMĐT đã làm lãng phí cơ hội duy trì giao dịch với một lượng lớn khách hàng mới, vừa quen với việc mua bán trực tuyến. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng người tiêu dùng chưa hoàn toàn yên tâm về chất lượng hàng hóa mua trực tuyến. Chị Hằng cho biết: TMĐT rất hữu ích nhưng những dịch vụ đi kèm như chất lượng hàng hóa, thanh toán trực tuyến, thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển, giao nhận còn cao… khiến khách hàng chưa hài lòng, chưa thật sự tin dùng TMĐT.
Nhận diện rõ những trở ngại cả phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, các ngành chức năng đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ để giữ đà phát triển TMĐT. Trong đó UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, khơi thông về công tác thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Trong đó Sở Công Thương phối hợp các ngành chức năng cho ra mắt sàn TMĐT “thuongmainamdinh.vn” nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trên nền tảng internet; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại và trang bị kỹ năng giao dịch, duy trì, phát triển thị trường trên môi trường mạng. Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần tự mình đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu sản phẩm và tăng khả năng tương tác với người tiêu dùng chứ không nên chỉ dừng lại ở hình thức quảng cáo trên sàn giao dịch nói riêng và các website thương mại nói chung./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương