Bám sát diễn biến thời tiết, thị trường và yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để chủ động định hướng sản xuất hàng hóa là quan điểm chỉ đạo, định hướng căn bản của tỉnh trong sản xuất vụ lúa mùa năm 2020.
Nông dân xã Cộng Hòa (Vụ Bản) tập trung làm đất cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất. |
Ghi nhận từ những cánh đồng…
Những ngày đầu tháng 7-2020, có mặt trên nhiều xứ đồng trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận rõ nét không khí khẩn trương, tích cực chuẩn bị các điều kiện của bà con nông dân để bước vào sản xuất vụ lúa mùa. Tại cánh đồng thôn Bối Xuyên Thượng, xã Cộng Hòa (Vụ Bản), tiếng máy làm đất, tiếng xe vận chuyển phân bón ra ruộng… rộn vang khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Hùng uyển chuyển đánh lái chiếc máy làm đất cỡ trung sát vào bờ thửa, tạm dừng “giải lao” uống nước nói với chúng tôi: Bắt đầu từ 4h30’ đến giờ là hơn 4 tiếng, tranh thủ trời còn mát mẻ, tôi cho máy “lồng” liên tục được gần mẫu ruộng để đất được ngấu ngả, sẵn sàng chờ mạ gieo cấy lúa mùa theo chỉ đạo của Ban Nông nghiệp xã và hướng dẫn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cộng Hòa. Cách đó không xa, hai mẹ con cô Hoa đang miệt mài vạc bờ diệt cỏ, bắt ốc bươu vàng và phá nơi cư trú của chuột. Không ai bảo ai, tất thảy bà con nông dân trong thôn, trong xã đều bắt đầu công việc của mình là dọn ruộng, làm đất từ 4, 5 giờ đến 9 rưỡi, 10 giờ sáng là thời điểm không khí còn mát mẻ, thoáng đãng, dễ chịu trước khi bước vào những giờ nắng, nóng cao điểm trong ngày… Còn tại HTX Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), để chuẩn bị cho kế hoạch gieo cấy vụ mùa năm 2020 đúng khung thời vụ, HTX đã hợp đồng, huy động trên 30 máy làm đất cỡ nhỏ, cỡ trung tập trung đồng loạt ra quân làm đất từ giữa tháng 6. Nhờ đó đến ngày 1-7, toàn bộ diện tích hơn 200ha gieo cấy lúa mùa đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm đất được làm kỹ, ngấu ngả theo phương châm “ruộng chờ mạ”. Cùng với tập trung làm đất, HTX Nghĩa Đồng phối hợp với Ban Nông nghiệp xã tập trung hướng dẫn nông dân gieo mạ dược cho những chân ruộng vàn thấp, ruộng trũng và những diện tích có nguy cơ bị ngập úng sau cấy bởi trong tháng 7 và đầu tháng 8 thường có mưa lớn và mưa tập trung dễ gây ngập úng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của các trà lúa mùa…
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa năm 2020 được các địa phương, nông dân triển khai tích cực, nhất là việc làm đất, gieo mạ và chuẩn bị các loại phân bón, vật tư nông nghiệp. Tính đến ngày 1-7, toàn tỉnh đã bừa lồng được 46.670ha, chiếm 64%; bừa cấy được 12.350ha, chiếm 17% tổng diện tích gieo cấy lúa mùa. Các huyện có tiến độ bừa lồng nhanh là: Vụ Bản đạt 90%, Xuân Trường đạt 89%, Trực Ninh đạt 79%, Ý Yên 68%; riêng thành phố Nam Định và huyện Giao Thủy tiến độ làm đất chậm, mới đạt 21% và 27%. Các huyện, thành phố cũng đã gieo được 3.129ha mạ, đạt 65% diện tích mạ cần phải gieo. Có 6 địa phương hoàn thành việc gieo mạ, gồm: thành phố Nam Định, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực và Trực Ninh. Các địa phương còn lại đang tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo mạ theo kế hoạch để bảo đảm có đủ mạ gieo cấy hết diện tích. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, mỗi địa phương cần chủ động bố trí gieo mạ dự phòng khoảng 10% diện tích với các giống lúa ngắn ngày, gồm: QR1, DQ11, TBR225, TH3-3, KD18, HDT10… và theo phương thức gieo mạ nền từ ngày 3 đến 5-7.
Bảo đảm khung thời vụ và lịch gieo cấy
Vụ mùa năm nay theo kế hoạch toàn tỉnh gieo cấy 73.280ha lúa; trong đó cơ cấu giống lúa lai 13% diện tích, lúa thuần 76% diện tích và 11% diện tích lúa đặc sản. Theo khuyến cáo của Sở NN và PTNT, các giống lúa thuần được sử dụng trong vụ này, bao gồm: TBR225, M1-NĐ, BC15 kháng đạo ôn, LP5, Nếp 97, QR1, NĐ5, Nếp Hưng Yên, Lộc Trời 183, Nàng xuân; các giống lúa lai là CT16, Bắc ưu 903 kháng bạc lá, Phúc thái 168, Lai thơm 6; các giống lúa đặc sản là Nếp Bắc, Nếp Cái hoa vàng, Tám xoan, Dự... Căn cứ điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn sử dụng 3-4 giống chủ lực, mỗi hộ dân chỉ lựa chọn, sử dụng 1 hoặc 2 giống. Hạn chế tối đa đưa giống Bắc thơm số 7 vào cơ cấu vì đây là giống nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen, bạc lá, rầy và chịu úng, chống đổ kém. Đối với các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa Bắc thơm số 7 phải thực hiện theo quy trình thâm canh riêng do Sở NN và PTNT, doanh nghiệp hướng dẫn. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Căn cứ diễn biến thời tiết, khí hậu nên vụ mùa năm nay, về thời vụ gieo cấy, các địa phương thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu giống, phương thức gieo cấy và thời vụ gieo cấy lúa mùa nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bệnh lùn sọc đen, phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 20-7. Khuyến khích xây dựng, áp dụng và nhân rộng mô hình “mạ khay - máy cấy”, nhất là đối với các mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn; mô hình dịch vụ của các HTX nông nghiệp, hạn chế tối đa diện tích gieo sạ (chỉ gieo sạ ở những cánh đồng chủ động nước và ở những nơi nông dân đã có kinh nghiệm gieo sạ). Đối với những vùng có khả năng bị úng trũng như: Khu vực cụm 3 - huyện Trực Ninh, cụm 4 - huyện Nam Trực, một số xã của huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng… người dân nên gieo mạ dược, mạ dày xúc để cấy, hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra mưa lớn trong thời điểm gieo cấy; đồng thời tổ chức khảo nghiệm một số giống lúa có khả năng chịu úng như giống lúa SHPT3 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương, gắn với mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm mật độ cấy lúa lai từ 28-30 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm; lúa thuần từ 30-35 khóm/m2, cấy 3-4 dảnh/khóm; gieo sạ sử dụng 1kg giống/sào. Trong khâu làm đất do thời gian chuyển vụ ngắn, trời nắng, nóng nên các địa phương hướng dẫn nông dân hạn chế việc vặn rạ, thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu, bệnh hại, nhất là bệnh lùn sọc đen; thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật. Tập trung sử dụng phân hỗn hợp N-P-K với các sản phẩm phân bón của doanh nghiệp uy tín như: Tiến Nông, Lâm Thao, Bình Điền, Phú Mỹ, Việt Nhật, Ninh Bình… Tăng cường sử dụng và tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân nhiễm chua, phèn, mặn. Chủ động bón phân cân đối, bón sớm, bón gọn; không lạm dụng phân đạm, không bón phân đạm muộn và tập trung phân đạm cho bón lót và bón thúc lần 1. Qua kinh nghiệm từ những vụ mùa gần đây cho thấy, các địa phương cần chủ động phòng bệnh lùn sọc đen và bạc lá lúa bằng việc lựa chọn, sử dụng giống ít nhiễm rầy và bạc lá; áp dụng phương thức thâm canh lúa cải tiến (SRI), đó là: mật độ hợp lý, bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, quản lý nước chặt chẽ và bổ sung phân hữu cơ để tạo giàn lúa khỏe. Đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài ra cần quan tâm phòng trừ các đối tượng dịch hại như: chuột, ốc bươu vàng, các lứa rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm; bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông trên các giống lúa bị nhiễm.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực và thực hiện nghiêm các quy trình thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp là cơ sở ban đầu để tỉnh ta có được vụ mùa thắng lợi./.
Bài và ảnh: Văn Đại