Chủ động điều chỉnh mức chi trong điều kiện giảm nguồn thu ngân sách

08:07, 24/07/2020

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khoá để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn, gây giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020. Theo quy định của Luật Ngân sách, nếu hụt thu thì phải thực hiện giảm chi tương ứng. Thực tế này đặt các cấp chính quyền, ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ các biện pháp hướng tới mục tiêu cân đối thu, chi ngân sách; trong đó, trọng tâm phải ưu tiên điều chỉnh chi hiệu quả.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nam Ninh rà soát các khoản cần tăng cường đôn đốc, nâng cao kết quả thu ngân sách Nhà nước.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nam Ninh rà soát các khoản cần tăng cường đôn đốc, nâng cao kết quả thu ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; trong đó thực hiện cắt giảm, tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Sở Tài chính đã ban hành văn bản 779/STC-NS ngày 13-7-2020 hướng dẫn chi tiết phương án thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020 cho các sở, ban, ngành, Đảng, đoàn thể ở tỉnh và các huyện, thành phố. Đồng thời thống nhất danh mục các khoản chi thường xuyên không thực hiện cắt giảm, gồm: Vốn đối ứng để thực hiện các dự án ODA, các Chương trình mục tiêu (vốn sự nghiệp) do ngân sách tỉnh đảm bảo theo quy định; Kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền quyết định, kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình mục tiêu của Trung ương; Kinh phí để triển khai các nhiệm vụ chi phòng, chống và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (chỉ có tại cấp tỉnh); Kinh phí chi hoạt động kinh tế, sự nghiệp đảm bảo môi trường; Kinh phí mua sắm trang phục ngành; kinh phí thuê trụ sở; Kinh phí tổ chức hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước; Các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao đã triển khai thực hiện trước ngày 30-6-2020. Để kiểm soát, đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn các khoản chi ngân sách 6 tháng cuối năm, bên cạnh việc chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương, đơn vị liên quan chấp hành nghiêm danh mục các khoản chi thường xuyên ưu tiên không thực hiện cắt giảm, huyện Hải Hậu đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị dự toán cấp I thuộc UBND huyện, các đơn vị dự toán cấp II trực thuộc đơn vị dự toán cấp I của huyện và UBND các xã, thị trấn xác định số cắt giảm kinh phí. Trong đó, xác định số cắt giảm tối thiểu kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Theo UBND huyện Xuân Trường, ngay từ tháng 5-2020 nhận thấy kết quả thu ngân sách 5 tháng đầu năm của huyện chỉ đạt 30% dự toán tỉnh giao, khả năng không đủ cân đối nguồn thu để chi là rất cao. Vì vậy, từ tháng 5 đến hết năm 2020, UBND huyện không thực hiện việc cấp chi bổ sung từ ngân sách cho các đơn vị. UBND huyện đã chủ động thực hiện phương án giảm chi đối với nguồn dự phòng của UBND huyện và nguồn dự phòng trong dự toán của một số đơn vị sự nghiệp (kể cả sự nghiệp giáo dục) tương ứng với số hụt thu. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn phải thực hiện rà soát, cân đối lại nguồn theo dự toán còn lại; sắp xếp, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất theo dự toán đã giao và chế độ, nguyên tắc tài chính Nhà nước quy định, đảm bảo tập trung chi đủ các khoản cho con người theo chính sách, chế độ hiện hành, ưu tiên chi đảm bảo xã hội, an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng.

Song song phương án giảm chi, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay các huyện, thành phố đều yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước đến tận tháng cuối và ngày cuối cùng của năm 2020. Chú trọng tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế phấn đấu đạt các chỉ tiêu thu ở mức cao nhất. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện trong điều kiện giảm thu ngân sách là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do đây là biện pháp thiết yếu thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm ước tính tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 1.222,7 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch năm. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 884,6 tỷ đồng, đạt 29,4% kế hoạch năm; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện là 148,5 tỷ đồng, đạt 33,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 189,6 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch năm. Việc nỗ lực giải ngân vốn đã giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình xây dựng đầu tư bằng nguồn vốn công cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức tích cực tham gia đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện trên toàn tỉnh ước đạt 16.020,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngoài Nhà nước là 11.671,9 tỷ đồng, tăng 10,4%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1.765 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống công trình hạ tầng đầu tư mới sẽ góp phần thúc đẩy các ngành nghề kinh tế, góp phần giải quyết thêm việc làm cho nhiều lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương. Thời gian tới, các ngành, các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác cân đối thu chi ngân sách Nhà nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com