Xác định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trực Ninh đã tăng cường quản lý công tác ATVSLĐ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người lao động và doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở huyện Trực Ninh đã quan tâm thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động. (Trong ảnh: Cơ sở sản xuất giỏ, lẵng hoa mây tre đan Đức Thiện, xã Trực Tuấn). |
Trên địa bàn huyện Trực Ninh có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, HTX phi nông nghiệp. Để nâng cao nhận thức của người lao động và chủ lao động, huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Hàng năm, UBND huyện đều kiện toàn Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ, xây dựng, triển khai kế hoạch công tác năm nói chung và trọng tâm là kế hoạch hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Từ năm 2019 đến nay, Đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở đã phát trên 30 tin, bài; các ngành chức năng, các xã, thị trấn trong huyện phát 185 sách, báo, tờ rơi, tờ gấp, treo hàng chục băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, tìm hiểu pháp luật về công tác ATVSLĐ; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, hàng năm, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ huyện tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 35 lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho trên 4.500 người làm công tác ATVSLĐ, y tế, vệ sinh viên và người lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại các doanh nghiệp. Phòng LĐ-TB và XH huyện cử cán bộ hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự tiến hành kiểm tra ATVSLĐ, kịp thời xử lý, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện tốt các biện pháp ATVSLĐ, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục kịp thời những sai sót, bất cập trong công tác ATVSLĐ. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 2 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Shin Myung First Vina, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Đức Thiện. Qua kiểm tra cho thấy người sử dụng lao động, người lao động ở cả 2 doanh nghiệp đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; đều thành lập Hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận ATVSLĐ; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh, hoạt động nền nếp theo nội quy; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là quy trình vận hành, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quan tâm đầu tư cải thiện tạo điều kiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nhà xưởng, xử lý khói bụi, khí thải, nước thải, tiếng ồn; tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo đời sống, sức khỏe người lao động. Nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ trong quản lý công tác ATVSLĐ, từ năm 2019 đến nay, huyện không có trường hợp bị tai nạn lao động.
Để tiếp tục thực hiện tốt đảm bảo ATVSLĐ, ngày 27-4-2020, UBND huyện Trực Ninh ban hành Kế hoạch số 21 về triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. UBND huyện chỉ đạo các ngành thành viên, triển khai kế hoạch đến các địa phương theo ngành dọc và theo dõi, đôn đốc thực hiện. Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, xã, thị trấn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn huyện triển khai tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020; phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Tháng hành động ATVSLĐ. Các ngành chức năng kiểm tra, rà soát văn bản các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã ban hành về nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức kiểm tra, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Xây dựng, bảo đảm điều kiện thực hiện kế hoạch của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Đánh giá thực trạng tình hình quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Gửi thư điện tử đến người lao động phát động, truyền tải thông điệp Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020, Tháng công nhân năm 2020; tổ chức cho người lao động gửi thư qua hòm thư góp ý của doanh nghiệp những đề xuất về tăng cường ATVSLĐ tại nơi làm việc, về chăm lo, bảo đảm quyền lợi người lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập, kiện toàn bộ phận ATVSLĐ, kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; thực hiện đầy đủ các quy định về bảo hộ lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; rà soát, xác định các máy, thiết bị, vật tư, chất đang sử dụng, bảo quản thuộc danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ./.
Bài và ảnh: Viết Dư