Thị trấn Quỹ Nhất phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:06, 11/06/2020

Trong điều kiện khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng những năm gần đây phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) vẫn phát triển. Bằng việc đa dạng các loại cây thế, cây cảnh mini, cây hoa trang trí đáp ứng thị hiếu của người mua cây, phong trào SVC đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.

Ông Lại Cao Đường ở khu phố số 7, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) chăm sóc vườn hoa.
Ông Lại Cao Đường ở khu phố số 7, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) chăm sóc vườn hoa.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trước những biến đổi về thị trường cây cảnh, Hội SVC thị trấn Quỹ Nhất vận động hội viên và nhân dân chuyển đổi cơ cấu đa dạng các loại hình cây cảnh nghệ thuật; tích cực giao lưu học hỏi, tìm tòi kỹ thuật sáng tạo trong việc cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh để có nhiều tác phẩm đẹp. Người làm SVC đã tận dụng mọi diện tích đất xấu, vườn tạp trồng các loại cây cảnh phù hợp. Hiện tổng diện tích đất trồng cây cảnh của thị trấn được mở rộng hơn 6ha với các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây công trình; trong đó phần lớn là cây cảnh nghệ thuật, bonsai và các loại cây hoa trang trí. Tổ kỹ thuật cây cảnh của Hội SVC thị trấn với 3 hội viên có tay nghề cao hoạt động tích cực trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc, uốn tỉa cây thế cho các hội viên theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Để nâng cao sức tiêu thụ sản phẩm cây cảnh nghệ thuật, Hội SVC thị trấn động viên các hội viên, nòng cốt là 57 hội viên chính thức tích cực tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm SVC trong và ngoài tỉnh để học tập, nâng cao tay nghề trong việc sáng tạo các tác phẩm SVC, tìm kiếm thị trường. Năm 2019, qua các lần tham gia trưng bày, triển lãm SVC do Trung ương Hội SVC Việt Nam, Hội SVC tỉnh tổ chức, Hội SVC thị trấn đã giành 1 giải Vàng, 5 giải Bạc. Cũng qua các cuộc triển lãm, nhiều hội viên, nhà vườn đã tìm được đối tác giao thương, trao đổi sản phẩm. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân phát triển sản xuất, làm dịch vụ SVC, phong trào SVC thị trấn vẫn duy trì ổn định, nhiều gia đình ở thị trấn đã có thu nhập ổn định từ hoa, cây cảnh. Năm 2019, tổng nguồn thu từ trồng hoa, cây cảnh của thị trấn trên 1 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ gia đình trồng hoa, cây cảnh có thu nhập từ 30-50 triệu đồng, nhiều gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng. Là Nghệ nhân SVC Việt Nam duy nhất của thị trấn, ông Trần Văn Thìn ở khu phố số 2 luôn đi đầu trong công tác phát triển kinh tế SVC. Gia đình ông có 3 vườn cây cảnh với tổng diện tích gần 2ha. Để các tác phẩm SVC đạt được 3 yếu tố “cổ - kỳ - mĩ” có giá trị kinh tế cao, ông đã dành nhiều thời gian để tìm tòi, học hỏi, sáng tạo các thế, dáng cây đẹp, độc đáo. Hiện ông đang sở hữu khoảng 150 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật dòng sanh Nam Điền ký các loại đá như: da voi, thấm thủy, tai mèo... Trong đó, nhiều tác phẩm cây cảnh của ông tham gia và đạt giải cao tại triển lãm SVC trong nước như: Cây sanh dáng “làng” có tuổi đời trên 60 năm, cây sanh dáng “long” giành giải Vàng tại Triển lãm SVC tỉnh năm 2018… Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường, ông Thìn linh hoạt chuyển đổi mở rộng sản xuất cây lấy gỗ, cây công trình với hơn 1.000 cây gỗ sưa đỏ có tuổi đời từ 8-12 năm. Ông Thìn cho biết: Trồng cây sưa đỏ không khó, cây sưa phát triển tốt khi trồng trên đất bằng, cao ráo; khi cây ươm trong bầu đất chỉ cần làm cỏ và giữ dáng cây thẳng. Khi cây khép tán thì tỉa cành để cây tập trung phát triển thân chính và lõi. Trồng sưa đỏ không tốn phân bón, nhưng nguy hại nhất là sâu đục thân, phải thường xuyên thăm rừng để phát hiện kịp thời và phun thuốc vào lỗ cây, tiêu diệt sâu. Sưa đỏ từ lúc trồng đến khi khai thác phải mất thời gian từ 10 năm trở lên, lúc đó, lõi sưa đỏ có giá dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/kg. Hiện tại, cây to nhất trong vườn của ông Thìn có đường kính 22cm, cây bé nhất đường kính khoảng 10cm. Năm 2019, doanh thu từ cây cảnh của ông đạt 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tham gia giảng dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh cho hội viên, người dân đam mê SVC ở các xã, thị trấn trong huyện. Gia đình ông Lại Cao Đường, ở khu phố số 7 cũng là hội viên tiêu biểu của Hội SVC thị trấn. Nhờ trồng cây cảnh như sanh, si, lộc vừng, các loại cây hoa trang trí như hoa sứ, lan đai châu, hoa giấy, vạn tuế… mà gia đình ông đã có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống hàng ngày. Ông Đường đầu tư 2 khu vườn gồm: khu trồng cây cảnh nghệ thuật và khu trồng cây hoa trang trí có tổng diện tích khoảng 7.200m2. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, cộng với đôi bàn tay khéo léo, mắt thẩm mỹ và tâm huyết dành cho từng sản phẩm mà các tác phẩm cây thế của ông Đường được nhiều khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, ông xuất ra thị trường hàng nghìn cây hoa trang trí, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Một số hội viên khác cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ bán cây cảnh bonsai, cây nghệ thuật như ông Trần Thế Chức, Trần Huy Phúc ở khu phố 2, ông Phạm Sơn ở khu phố số 6… Ngoài ra, nhiều hội viên đầu tư mở cơ sở kinh doanh vật tư cho nghề SVC, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như các hội viên: Phạm Văn Nghị ở khu phố số 3, Trần Văn Thành ở khu phố số 7 vừa trồng cây cảnh vừa sản xuất ang, chậu trồng cây cảnh, tiểu cảnh non bộ. Cùng với phát triển kinh tế, Hội SVC thị trấn còn tham gia chăm sóc 45 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật trong khuôn viên cơ quan, công sở, Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn; trồng cây xanh trên các tuyến đường, địa điểm công cộng. Đến nay, trên các tuyến đường giao thông trong thị trấn, trong khuôn viên các nhà văn hoá, các tổ dân phố, các hộ gia đình, các công sở, nơi thờ tự đều có những cây xanh, cây cảnh đẹp có giá trị kinh tế cao. Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025, Hội SVC thị trấn tổ chức trưng bày, triển lãm SVC với gần 20 tác phẩm sanh, tùng la hán, tùng kim, hoa giấy, lộc vừng đặc sắc.

Thời gian tới, Hội SVC thị trấn Quỹ Nhất tiếp tục vận động hội viên phát triển trồng đa dạng các loại hoa, cây cảnh, gắn sản xuất với thị trường. Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào uốn tỉa, gieo trồng các loại cây phôi; mở rộng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn truyền nghề, dạy nghề, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên và nhân dân cùng tham gia. Chủ động tìm thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm kinh tế SVC./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com