Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động chăn nuôi còn tồn tại nhiều bất cập. Chất thải chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, luôn là bài toán phức tạp của các vùng nông thôn. Bình quân mỗi năm các cơ sở, hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh nuôi khoảng 720 nghìn con lợn; phát sinh 1,1 triệu tấn chất thải; trong khi quy mô chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phần lớn là vừa và nhỏ, chưa có các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường. Mới có 50% lượng chất thải chăn nuôi được xử lý còn 50% không qua xử lý, xả thẳng ra môi trường. Việc chưa đủ điều kiện đảm bảo tuyệt đối về vệ sinh môi trường, chuồng trại, lo ngại về nguy cơ tái phát dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ, đến nay vẫn chưa tái đàn dù tỉnh đã khống chế được dịch bệnh tả lợn châu Phi và giá thịt lợn hơi trên thị trường tiếp tục tăng cao, lợi nhuận sản xuất khá hấp dẫn. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tập trung tái đàn với phương châm thận trọng, kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chị Trần Thị Len, xóm 4, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) vệ sinh chuồng trại. |
Các Sở: TN và MT, NN và PTNT đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong hoạt động chăn nuôi lợn. Tại Nghĩa Hưng, chăn nuôi hiện đã dần phục hồi dưới sự kiểm soát tích cực của chính quyền, ngành chức năng, ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường chuồng trại, đảm bảo an toàn cho đàn lợn của các hộ chăn nuôi nâng lên. Gia đình ông Hà Văn Long, xóm 9 xã Nghĩa Phú từng là hộ có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn nhưng dịch bệnh tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn 24 lợn thịt, 5 lợn nái của gia đình ông bị tiêu hủy. Xác định tiếp tục phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi lợn nên ngay sau khi nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vay vốn ưu đãi ông Long đã tập trung tu sửa chuồng nuôi, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường sẵn sàng để ngay khi có giống là thả nuôi ngay. Cũng như ông Long, dù đã có kinh nghiệm chăn nuôi lợn lâu năm nhưng hiện nay chị Mai Thị Hường, xóm 12, xã Nghĩa Tân mới chỉ tái đàn nuôi 2 con lợn nái, bằng nửa trước kia, còn một số chuồng để trống. Chị Hường cho biết, do lo ngại không thể kiểm soát hết nguy cơ dịch bệnh nên chị chỉ dám tái đàn từng bước, đồng thời thực hiện đồng bộ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường an toàn cho đàn lợn và khu chuồng trại.
Không chỉ ở Nghĩa Hưng, người nuôi lợn trên toàn tỉnh đều đã được khuyến cáo nắng, nóng gay gắt nhiệt độ môi trường tăng cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi cùng với tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát ở nhiều tỉnh, thành phố, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (trong đó có dịch bệnh tả lợn châu Phi) phát sinh, lây lan trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh rất cao. Người nuôi lợn còn được hướng dẫn thực hiện nghiêm việc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; tuyệt đối không tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn phòng dịch. Đối với trang trại, gia trại cần chuyển đổi công nghệ từ nuôi chuồng hở sang chuồng khép kín, tăng cường phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, tại các trang trại, gia trại đã chú ý xây dựng chuồng nuôi đảm bảo dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh; có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và các biện pháp ngăn chặn côn trùng, vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim… Đảm bảo nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau. Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín; nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; Phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng. Chất thải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoá chất hoặc xử lý bằng biện pháp sinh học phù hợp.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường và chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, thời gian tới, Sở NN và PTNT, các địa phương đẩy mạnh khuyến cáo các hộ nuôi giảm nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tập trung phát triển trang trại quy mô vừa và lớn nằm trong vùng quy hoạch. Sở TN và MT phối hợp với các sở, ngành và các huyện kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác BVMT đối với các trang trại nuôi lợn đã đi vào hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; tham mưu đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Kiểm tra đôn đốc các cơ sở chăn nuôi lợn phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường; các cơ sở chăn nuôi mới đầu tư trước khi hoạt động chính thức phải được xác nhận hoàn thành các công trình BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy