Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, môi trường sống của các loài thủy sinh bị hủy hoại do cường độ khai thác cao, cơ cấu các ngành nghề chưa phù hợp, hình thức khai thác thủy sản (KTTS) không theo đúng quy định, ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân chưa cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2018 về hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, Sở NN và PTNT đang chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm KTTS có thời hạn trong năm.
Sở NN và PTNT phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức thả cá giống xuống lưu vực sông Hồng, góp phần tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. |
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Trước thời điểm Thông tư 19 có hiệu lực, theo quy định của Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT ban hành danh mục khu vực cấm KTTS có thời hạn trong năm, Bộ NN và PTNT xác định vùng phạm vi đường nối các điểm có tọa độ từ C4a (20012’30”N, 106026’50”E) đến C4d (20008’00”N, 106019’30”E) thuộc vùng biển Quất Lâm của tỉnh ta là khu vực cấm KTTS có thời hạn trong năm. Có 4 tiêu chí xác định khu vực cấm KTTS có thời hạn, bao gồm: Khu vực tập trung sinh sản của loài thủy sản, khu vực có mật độ phân bố trứng của các loài thủy sản cao hơn so với vùng lân cận; khu vực tập trung sinh sống của thủy sản chưa thành thục sinh sản, khu vực có mật độ phân bố cá con, tôm con và ấu trùng các loài thủy sản cao so với vùng lân cận; khu vực di cư sinh sản của loài thủy sản và khu vực cấm KTTS của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác. Theo đó, các nghề cấm sử dụng để KTTS bao gồm nghề lồng bẫy bát quái, nghề te (xiệp), nghề đăng, đáy, các nghề cào nghêu, sò; cấm hoạt động khai thác tại các vùng cửa sông, cửa biển, bãi sinh sản, khu ương nuôi và các khu bảo tồn biển, vùng ven bờ, vùng lộng. Nghề hạn chế sử dụng để KTTS bao gồm: nghề lưới kéo, nghề lưới vây, nghề vó mành, nghề câu (chụp), nghề pha xúc. Nghề lưới kéo chỉ được phép khai thác từ vùng lộng trở ra theo các nhóm công suất máy tàu được quy định về quản lý hoạt động KTTS của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển. Để thực hiện tốt quy định về quản lý, KTTS tại vùng cấm KTTS có thời hạn trong năm, Sở NN và PTNT đã tổ chức quán triệt nội dung và phương án triển khai thực hiện Thông tư 89 đến các đơn vị có liên quan của sở, UBND các huyện, các xã, thị trấn ven biển. Chủ trì phối hợp với UBND các huyện ven biển, các cơ quan thông tin của tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi danh mục khu vực cấm KTTS có thời hạn trong năm cho ngư dân. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức 10 lớp tập huấn cho 4.200 lượt ngư dân, in và phát 7.000 tờ rơi về danh mục khu vực cấm KTTS có thời hạn trong năm và Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để KTTS. Thanh tra Sở phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm ngư vùng 1 tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tại khu vực cấm khai thác trong thời gian quy định. Đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức được 31 đợt kiểm tra, kiểm soát tại khu vực cửa Ba Lạt trong thời gian từ ngày 15-4 đến ngày 31-7 (thuộc danh mục khu vực cấm KTTS theo quy định của Thông tư 89); phát hiện và xử lý 52 trường hợp, phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng, tịch thu 14 ngư cụ KTTS tại các khu vực và thời gian cấm khai thác.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động KTTS tại vùng cấm khai thác có thời hạn trong năm, ngày 15-11-2018 Bộ NN và PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT về hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, Bộ NN và PTNT tiếp tục xác định vùng biển Quất Lâm là vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đề nghị bổ sung khu vực cửa Đáy của sông Đáy vào danh mục khu vực cấm khai thác có thời hạn trong thời gian từ ngày 15-4 đến ngày 31-7, vì đây là vùng cửa sông nằm trong Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004 và là khu vực bãi đẻ của các loài thủy sản. Trong thời gian cấm, hạn chế hoạt động khai thác tại vùng biển ven bờ đối với các nghề ở khu vực tỉnh ta thực hiện cấm khai thác từ tháng 4 đến tháng 6. Cấm hoạt động KTTS ở vùng ven bờ đối với các nghề lưới kéo, nghề lồng xếp, nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực), nghề đăng, đáy, te (xiệp, xịch, xăm). Từ năm 2021, cấm hoạt động KTTS bằng các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê trong 1 tháng… Để tăng cường công tác quản lý và thực hiện khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn, Sở NN và PTNT đang tích cực chỉ đạo Chi cục Thủy sản in sao tài liệu, pa-nô, áp phích, tờ rơi, bản cam kết... cấp phát cho người dân các xã ven biển, chủ tàu, thuyền và người lao động trên tàu, thuyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của Bộ NN và PTNT, của tỉnh, huyện về công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các phương thức và phương tiện được phép hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản; chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường các hoạt động giám sát trong nuôi trồng thủy sản, thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản tập trung. Thanh tra Sở chủ động bố trí phương tiện, lực lượng, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị trong ngành, các địa phương thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xâm hại nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng và Hải đội 2 tuần tra trên biển và vùng cửa sông, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với Thanh tra Sở mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia thả giống phóng sinh các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế, không phóng sinh các loại thủy sản ngoại lai xâm hại môi trường tự nhiên. Các trung tâm: Giống thủy đặc sản Nam Định, Giống hải sản Nam Định chủ động sản xuất và cung cấp nguồn giống; phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hoạt động liên quan. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản./.
Bài và ảnh: Văn Đại