Với mục tiêu xây dựng kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm phát triển các mô hình hợp tác xã chế biến nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
HTX Chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) đầu tư hệ thống băng chuyền máy móc hiện đại cho việc sản xuất gạo. |
HTX chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) được thành lập tháng 8-2018, ban đầu có 7 thành viên, đến nay đã phát triển lên 9 thành viên chuyên thu mua, chế biến lúa gạo với sản lượng khoảng 10 nghìn tấn/năm. Để phục vụ cho việc chế biến nông sản, HTX đã đầu tư xây dựng sân phơi, nhà xưởng, trạm biến áp, cân điện tử và hệ thống băng chuyền máy móc hiện đại, trong đó máy tách màu trị giá 1,8 tỷ đồng, máy lau bóng trị giá 600 triệu đồng. Các thành viên HTX hiện trồng 30 mẫu ruộng, đồng thời liên kết với một số HTX trong tỉnh thu mua thóc từ các xã lân cận của các huyện Vụ Bản, Ý Yên để chủ động về nguồn nguyên liệu. Sản phẩm gạo chế biến của HTX trải qua các công đoạn khép kín, loại bỏ tạp chất, được xát trắng, lau bóng, lọc sạn… đảm bảo chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì vậy, HTX với thương hiệu “Gạo sạch Bốn Thuận” vinh dự là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ NN và PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á theo tiêu chuẩn HACCP, mang đến cho người tiêu dùng những hạt gạo sạch, dẻo thơm, là tinh hoa của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sản phẩm gạo sạch của HTX phục vụ cho bếp ăn của các đơn vị quân đội, công an, các khu công nghiệp với gần 300 tấn/tháng và được khách hàng thị trường Hà Nội đặc biệt ưa chuộng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục HTX chế biến nông sản với các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Tiêu biểu như HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) liên kết với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật nông nghiệp VINABHTABA Bắc Ninh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; khôi phục giống lúa nếp truyền thống trên diện tích 65ha, trong đó có 15,5ha lúa giống. HTX đã xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm gạo bắc thơm và tôm thẻ chân trắng. HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được thành lập năm 2017 với 7 thành viên. Bộ máy quản lý của HTX với đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ được đào tạo chính quy. Ngay sau thành lập, HTX đã thực hiện phương án sản xuất kinh doanh theo hướng nông sản hàng hóa với một số sản phẩm chủ lực tập trung vào cây rau màu và thủy sản như cà chua, dưa, rau hẹ; riêng sản phẩm rau hẹ, HTX đã ký hợp đồng sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại Ninh Bình để sản xuất ổn định, bền vững. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An (Hải Hậu) từ quy mô ban đầu có 300 hộ thành viên đến nay đã phát triển lên hơn 400 hộ thành viên, tổng diện tích canh tác trên 600ha; trong đó 435ha trồng 2 vụ lúa, 165ha trồng màu, cây đinh lăng dược liệu; diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao (gạo Bắc thơm số 7, gạo tám xoan, lúa nếp Bắc) chiếm 98% diện tích trồng lúa. Ngoài việc đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp cho các hộ thành viên, HTX còn ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH Cường Tân với sản lượng lúa giống mỗi năm khoảng 750 tấn; liên kết sản xuất lúa Bắc thơm số 7 với Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) mỗi năm 100 tấn; liên kết với Công ty Ba Duy, thành phố Vũng Tàu bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan cho các hộ thành viên với sản lượng mỗi năm 50 tấn; liên kết với Công ty Dược Traphaco bao tiêu sản phẩm cây dược liệu của các hộ thành viên mỗi năm 20 tấn... Doanh thu của HTX mỗi năm từ 8-10 tỷ đồng; làm gia tăng lợi ích cho các hộ thành viên thông qua liên kết mỗi năm trên 1 tỷ đồng... Từ năm 2018, HTX đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX, tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng một xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản với công suất 2.000 tấn thóc/năm. Hiện nay, HTX đang xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo đặc sản (tám xoan bao tử, nếp bắc truyền thống) theo phương pháp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch sản xuất lúa gạo đặc sản đến năm 2020 đạt 100-150ha, sản lượng mỗi năm từ 150-270 tấn thóc tám xoan bao tử. Ngoài ra còn phải kể đến các đơn vị tiêu biểu khác như: HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) liên kết với Công ty TNHH Cường Tân sản xuất gạo sạch; HTX nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh); HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm; HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Minh, xã Hải Giang (Hải Hậu) chế biến gạo, miến dong, rượu thảo dược từ cây đinh lăng; HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với sản phẩm thịt lợn tươi sống, thịt lợn sấy khô thương hiệu Nam Sơn; HTX nông nghiệp thương mại Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) với sản phẩm nông sản sạch, cây dược liệu, nấm đông trùng hạ thảo; HTX chăn nuôi Long Phú (Vụ Bản), HTX chăn nuôi Sơn Nam (Hải Hậu) với sản phẩm thịt thỏ xuất cho Công ty NIPPON của Nhật Bản; HTX Tiến Đạt, xã Hải Triều (Hải Hậu) chuyên khai thác, chế biến cá khô phục vụ thị trường trong và ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc... Nhìn chung, các HTX chế biến nông sản thời gian qua đã năng động, nhạy bén nắm chắc nhu cầu thị trường, phát huy thế mạnh các sản phẩm và nguồn nguyên liệu của địa phương; tập trung hỗ trợ thành viên sản xuất một số sản phẩm chủ lực; đồng thời tăng cường liên kết tiêu thụ khép kín từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2019 và 2020, nhiều HTX chế biến nông sản của tỉnh được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương và các ngành liên quan đã có nhiều sản phẩm chủ lực đặc trưng được hoàn thiện, công nhận là sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như: HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) với 3 sản phẩm dưa chuột Nhật, rau muống, đậu bắp; HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu) với các sản phẩm rượu linh chi, nấm linh chi, nấm bào ngư; HTX Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) với sản phẩm gạo tám xoan bao tử; HTX chế biến thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu) với sản phẩm chả cá, chả mực; HTX dược liệu Hải Hậu ATC với các sản phẩm trà dây thìa canh, cao dây thìa canh.
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển mạnh các chuỗi liên kết giá trị, các HTX chế biến nông sản của tỉnh ta đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đảm bảo phát triển bền vững và có đủ năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường./.
Bài và ảnh: Lam Hồng