Xác định đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhà nước và người dân trong mùa mưa bão là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế biển ổn định, bền vững, ngành thủy sản tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp sẵn sàng ứng phó hiệu quả với thiên tai.
Lực lượng chức năng diễn tập xử lý cấp cứu ngư dân bị thương khi đang khai thác thủy sản. |
Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, đến đầu tháng 4-2020, toàn tỉnh có 2.148 tàu, thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, huyện Giao Thủy có 951 chiếc, Hải Hậu 634 chiếc, Nghĩa Hưng 509 chiếc, Trực Ninh 53 chiếc và Xuân Trường 1 chiếc. Hiện nay, tỉnh có 2 cảng cá được công bố theo Luật Thủy sản năm 2017 là Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ, huyện Hải Hậu và Cảng cá Thành Vui; 1 khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng đã đưa vào sử dụng âu số 1; Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Hà Lạn, huyện Giao Thủy đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, các cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão của tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu neo đậu của tàu cá khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, dẫn đến một số tàu cá phải neo đậu trong các cống vùng cửa sông không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại và mất an toàn về tài sản khi có thiên tai xảy ra. Về phương tiện, thiết bị liên lạc các tàu khai thác hải sản xa bờ chủ yếu lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm ngắn như: Galaxy, Seagle 900, VX-1700, IC-718 để thông tin giữa tàu và bờ; thậm chí một số chủ tàu khó khăn, chưa trang bị các thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc trên tàu cá. Cùng với hoạt động của tàu cá, toàn tỉnh hiện có 16.150ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 6.435ha và nuôi nước ngọt 9.715ha. Tại các vùng nuôi thủy sản có 1.024 lều, chòi canh với 1.317 lao động thường xuyên trông coi ngao, tôm tại các vùng nuôi thủy sản ngoài đê và 239 lồng bè nuôi thủy sản trên các tuyến sông… Để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN và PTNT đã quyết định thành lập Ban thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) chuyên ngành thủy sản; thiết lập và vận hành cơ chế thông tin liên lạc với các địa phương, các chủ tàu, gia đình ngư dân có trang thiết bị máy thông tin trên đất liền với các tàu cá hoạt động trên biển, Đài thông tin duyên hải, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, các trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực; cung cấp tần số liên lạc của trạm bờ, số điện thoại cho các chủ tàu cá để liên lạc khi có sự cố xảy ra. Cùng với chú trọng thiết lập cơ chế thông tin, liên lạc, ngành thủy sản đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan chức năng tham gia ứng phó TKCN trong mọi tình huống. Theo đó, tại các Trạm thủy sản vùng 1, 2, 3, Ban quản lý Cảng cá Nam Định và Trung tâm Giống hải sản Nam Định chuẩn bị 918 phao áo, 2.153 phao tròn, 2 xuồng máy, trên 30 nhà bạt các loại; huy động 5 tàu cá của ngư dân các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng thường trực tại các bến sông sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ TKCN chuyên ngành thủy sản khi có yêu cầu; tổ chức phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ theo 5 cấp độ rủi ro thiên tai. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Trưởng Ban thường trực PCTT và TKCN chuyên ngành thủy sản cho biết: Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, các thành viên Ban phải chủ động nắm chắc thông tin dự báo thời tiết và căn cứ vào nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát số tàu, thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển để bằng mọi biện pháp gọi, hướng dẫn về nơi neo đậu an toàn; đồng thời thông báo, kêu gọi người dân ở các chòi canh coi tại các vùng nuôi thủy sản ngoài đê vào bờ tránh trú; kiên quyết không để người dân ở lại canh coi các vùng nuôi thủy sản hoặc trên tàu, thuyền đã neo đậu khi có bão đổ bộ vào đất liền. Thường xuyên kiểm tra, rà soát lực lượng, trang thiết bị phục vụ công tác phối hợp TKCN, đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu, tránh tư tưởng chủ quan. Việc tổ chức kêu gọi tàu cá về nơi neo đậu tránh trú cũng được đặc biệt quan tâm, theo đó đối với các tàu hoạt động tại vùng ven bờ, khi có bão gần bờ, bão khẩn cấp sử dụng điện thoại gọi cho chủ tàu, thuyền trưởng, phối hợp với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Đối với tàu cá hoạt động ở vùng lộng sử dụng mọi biện pháp gọi cho chủ tàu, thuyền trưởng, các đoàn trưởng, tổ trưởng tổ khai thác thủy sản; phối hợp với các Đồn, Trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng dùng hệ thống máy thông tin tầm ngắn thông báo cho ngư dân về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới và hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú gần nhất. Đối với tàu cá hoạt động tại vùng khơi sẽ phối hợp với các Đồn, Trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng dùng hệ thống máy thông tin tầm xa thông báo cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng và theo dõi vị trí tàu thông qua hệ thống giám sát tàu cá để có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét hệ thống mương tiêu để bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời. Các địa phương tăng cường hướng dẫn ngư dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống…; hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, lũ nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát khi bão, lũ xảy ra; đồng thời thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi.
Việc tổ chức triển khai tích cực các biện pháp PCTT và TKCN của Sở NN và PTNT sẽ góp phần giảm thiểu tối đa những thiệt hại trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại