Nam Trực chủ động phòng, chống thiên tai

08:06, 18/06/2020

Để chủ động ứng phó trước mọi tình tình huống thiên tai xảy ra, huyện Nam Trực đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN); trong đó đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp kiểm soát, bảo vệ toàn tuyến đê kè.

Đoạn Kè Quy Phú, xã Nam Hồng được huyện Nam Trực xác định là trọng điểm xung yếu cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2020.
Đoạn Kè Quy Phú, xã Nam Hồng được huyện Nam Trực xác định là trọng điểm xung yếu cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2020.

Theo đó, huyện xác định toàn huyện có 29,4km đê cấp II, III và 11,1km đê bối, 17 cống dưới đê, 10 cống lớn nhỏ trên đê bối và 10 kè hộ bờ. Trong đó, các khu vực đê kè trọng điểm xung yếu cần lưu ý gồm: Đoạn kè Quy Phú tại các vị trí K178+000 - K178+725, K178+907 - K179+480, K179+930 - K180+050 tuyến đê hữu Hồng (bãi sông bị sạt lở, kè bị hư hỏng do bão số 1 năm 2016 gây ra); kè Vị Khê từ K168+725 - K169+000 đê hữu Hồng xã Điền Xá. Các cống hiện đang hoạt động bình thường, đáp ứng tốt nhu cầu tưới, tiêu, dân sinh và PCTT. Tuy nhiên, đã có kế hoạch tu bổ, xây dựng mới một số cống đã cũ để đảm bảo tốt hơn nhu cầu tưới, tiêu, dân sinh và PCTT trên địa bàn toàn huyện, như: Cống Đồng Lựu, Sa Lung, Dương Độ. Tại 4 vùng bối gồm Thắng Thịnh, Đại An, An Tùy, Xí nghiệp gạch có 1.853 hộ với 7.468 khẩu sinh sống bằng nghề trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; nơi ở, sinh hoạt không đảm bảo an toàn khi có bão mạnh đổ bộ, đồng thời có nguy cơ ngập lụt khi mưa bão kết hợp với triều cường. Bãi ngoài bối Xí nghiệp gạch bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bãi chỉ còn rộng từ 1-3m. Trong tổng số 29 điếm canh đê có 4 điếm nằm trên đê bối, một số điếm hư hỏng nặng như: An Lá 2, Đồng Côi, Bái Hạ, Đại An, Kinh Lũng. Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh và PCTT nhưng vẫn còn một số tuyến kênh chưa được đầu tư nạo vét, chưa được giải quyết dứt điểm vi phạm hành lang công trình thủy lợi tồn tại từ nhiều năm nay, vẫn còn tình trạng xả rác, rơm rạ, cây cối ra kênh, ảnh hưởng đến việc tưới, tiêu của hệ thống. Từ thực trạng trên, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong PCTT; tăng cường kiểm tra, quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” phục vụ kịp thời công tác PCTT và TKCN khi có lệnh huy động. 

Bám sát tinh thần chỉ đạo của huyện, hiện nay các ngành, các xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tiến hành kiểm tra, đánh giá, phát hiện kịp thời sự cố, tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp và quản lý, bảo vệ công trình PCTT trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý. Chú trọng quản lý, duy tu các công trình trọng điểm về PCTT để bảo vệ dân cư, sản xuất; phát quang, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ kênh mương, đường đi; nạo vét, thanh thải dòng chảy nhằm đảm bảo tiêu thoát nước nhanh nhất; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cành, cây xanh không an toàn cho công trình kiến trúc, lưới điện. Riêng vật tư dự trữ tại chỗ, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chuẩn bị 19 bộ nhà bạt, 1.267 chiếc áo phao, phao tròn, phao bè, 500 chiếc bao tải, bạt chắn sóng 200m2. Tại 2 tuyến đê hữu Hồng, tả Đào đã dự trữ 6.641m3 đá hộc; trong đó: Ngặt Kéo 769m3; 2.020m3 ở cống thứ nhất; 325m3 ở Phú Hào; hơn 1.000m3 ở Trường Nguyên; 716m3 ở An Lá, 887m3 ở Bái Trạch; 820m3 ở Thi Châu; 491m3 đá dăm dự trữ tại Ngặt Kéo. Tại các xã, thị trấn duyên giang, huyện đã chuẩn bị: 4 ô tô tải, 3.000 cây tre, luồng, 3.000 bao tải, 1.000m2 vải bạt nilon, 100 cuốc, xẻng, 50 xe rùa, 1-2 chiếc máy phát điện, tối thiểu 1-2 chiếc máy bơm dã chiến để phòng, chống úng; chủ động quy hoạch vị trí lấy đất trong tình huống phải đắp đê; chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng dân quân tự vệ, đội xung kích khoảng từ 20-25 người/xóm; dự kiến mỗi xã dự trữ khoảng 500kg gạo, 1.000 lít nước sạch, 100 thùng mỳ tôm; đảm bảo ít nhất 5 cơ số thuốc và dự trù bố trí nguồn ngân sách xã khoảng 100 triệu đồng. Tại các xã nội đồng, huyện yêu cầu mỗi xã chuẩn bị 2 ô tô tải, 1.000 cây tre, luồng, 1.000 bao tải, 500m2 vải bạt nilon, 100 cuốc, xẻng, 50 xe rùa, 1-2 chiếc máy phát điện, 1-2 chiếc máy bơm dã chiến để phòng, chống úng; chủ động quy hoạch vị trí lấy đất trong tình huống phải đắp đê; có phương án huy động đủ 10-15 người/xóm để phục vụ công tác PCTT và TKCN, tập trung vào lực lượng dân quân tự vệ, đội xung kích; dự kiến mỗi xã dự trữ khoảng 500kg gạo, 1.000 lít nước sạch, 100 thùng mỳ tôm; đảm bảo ít nhất 5 cơ số thuốc và dự trù bố trí nguồn ngân sách xã khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn phải có nguồn vật tư, phương tiện, hậu cần dự phòng để huy động kịp thời khi nhu cầu vật tư, phương tiện vượt quá số lượng đã chuẩn bị trước; hướng dẫn các hộ gia đình ven đê chuẩn bị bao đất và các loại dụng cụ quang gánh, cuốc xẻng, móng đào đất... sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh huy động. Tại các xã có dân sống tại các vùng bối còn chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống có khả năng vỡ đê, nước sẽ tràn vào khu dân cư; có kế hoạch liên hệ với các xã xung quanh để tìm nơi sơ tán cho nhân dân vùng bối, tập trung tại các điểm đã xác định trước như: trụ sở UBND, trường học, trạm y tế, các cơ quan… và các nhà dân kiên cố có sức chứa lớn. 

Từ nay đến hết mùa mưa bão, các ngành, các địa phương trong huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong PCTT; Tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt; Tổ chức lực lượng, thực hiện nghiêm việc tuần tra canh gác đê điều theo cấp báo động; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tuần tra, canh gác ở các tuyến đê để phát hiện và xử lý đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống, công trình thủy lợi được kịp thời ngay từ giờ đầu; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi công trình xảy ra sự cố. Tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn. Sẵn sàng chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất; tổ chức, quản lý, phân bổ hàng cứu trợ của Nhà nước... để ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com