Ngày Môi trường thế giới (5-6) hàng năm là một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng mà Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020, tỉnh ta xác định là dịp để thúc đẩy, mở rộng và thu hút sự quan tâm của cộng đồng và các cấp chính quyền thúc đẩy hành động trước những thách thức môi trường quan trọng mà trái đất đang phải đối mặt.
Bộ đội Biên phòng tham gia thu gom rác thải tại bãi biển xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Ảnh: Văn Huỳnh |
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), các huyện, thành phố chú trọng rà soát những bất cập mang tính bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) để tăng cường quản lý, yêu cầu hướng dẫn thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý. Thực hiện Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ quy định rõ các nhóm đối tượng phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN và MT trước ngày 31-12-2020, Sở TN và MT đã tiến hành rà soát và xác định có 12 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, gồm: Công ty CP đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ECT, Công ty CP Giang Nam Cát, Công ty CP TCE Vina Denim, Công ty TNHH Youngone Nam Định (KCN Hòa Xá), Công ty TNHH Công nghiệp Ramatex Nam Định, Công ty CP Dệt Bảo Minh, Công ty CP Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (KCN Bảo Minh), Công ty CP Trịnh Nghiên (thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng), Công ty TNHH Mai Thanh (CCN Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê (CCN Đồng Côi, huyện Nam Trực), Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh). 3 đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục gồm: Công ty CP Dệt may Sơn Nam (đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Nam Định), Trung tâm Phát triển hạ tầng và Tư vấn đầu tư KCN Hòa Xá, Trung tâm Phát triển CCN An Xá (thành phố Nam Định). Sở TN và MT đã yêu cầu 15 đơn vị, doanh nghiệp này phải hoàn tất lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục (nước thải hoặc khí thải) và truyền trực tiếp dữ liệu về Sở trước ngày 31-12-2020. Hệ thống quan trắc tự động, liên tục phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 24/2017/TT-BTNMT ngày 1-9-2017 của Bộ TN và MT và Hướng dẫn số 2027/HD-STNMT ngày 8-7-2019 của Sở TN và MT. Trước tình hình người dân huyện Nam Trực kiến nghị chính quyền, ngành chức năng về việc các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn phường Cửa Nam, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) xả nước thải chưa xử lý ra kênh An Lá gây ô nhiễm môi trường, Sở TN và MT đã phối hợp với Phòng TN và MT thành phố Nam Định, UBND phường Cửa Nam và UBND xã Nam Vân khảo sát thực tế các nguồn phát thải ra kênh An Lá. Kết quả khảo sát cho thấy, đến năm 2019 thành phố Nam Định đã hoàn thành xây dựng hệ thống cống hộp nên toàn bộ nước thải phát sinh tại phường Cửa Nam đã được đấu nối với hệ thống cống hộp dẫn ra sông Châu Thành. Do đó, hiện nay kênh An Lá không còn tiếp nhận nước thải của phường Cửa Nam mà chỉ tiếp nhận nước thải của các xã: Nam Vân, Nam Toàn và Nam Mỹ (Nam Trực). Kênh An Lá đoạn chảy qua địa bàn xã Nam Vân không tiếp nhận nước thải sản xuất của các cơ sở mà chỉ tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xung quanh. Nước kênh màu hơi vàng, mặt kênh thông thoáng không có mùi hôi. Đoạn kênh chảy qua xóm 1 xã Nam Toàn bị thu hẹp, có nhiều rác thải sinh hoạt dưới lòng kênh, nước có màu sẫm, dòng chảy chậm. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan cho kênh An Lá, Sở TN và MT đã đề nghị UBND huyện Nam Trực, UBND thành phố Nam Định chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND phường, xã nơi có kênh An Lá đi qua tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân về BVMT; Yêu cầu người dân đổ rác đúng nơi quy định, nghiêm cấm xả rác thải ra kênh An Lá; Nạo vét, khơi thông dòng chảy, thu dọn rác thải sinh hoạt dưới lòng kênh An Lá; Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm đổ chất thải ra kênh An Lá và xử lý theo quy định. Tại huyện Hải Hậu, thời gian qua, đặc biệt là tối ngày 24-5-2020, xuất hiện tình trạng nhiều cây bóng mát trồng ven các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn bị đối tượng xấu phá hoại, chặt hạ. Nhận định đây là hành động cố ý phá hoại, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, thống kê ngay số lượng cây bóng mát bị chặt hạ trên địa bàn; chỉ đạo lực lượng Công an xã có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để tái diễn tình trạng trên. Giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức xác minh, điều tra làm rõ hành vi phá hoại, chặt hạ các cây bóng mát trong thời gian qua; truy tìm và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định. Có phương án trồng bổ sung cây cùng chủng loại vào mùa thu.
Ngoài ra hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020, các sở, ngành, địa phương còn tổ chức các hoạt động kêu gọi người dân chung tay BVMT như: phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên; hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ bao vào nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, rác thải kim loại, kim loại độc hại; không lãng phí đồ ăn, thức uống; trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế. Đặc biệt, chú trọng phát động các phong trào bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn với các chương trình, hoạt động thiết thực như: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép đối với động vật hoang dã; ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán, giết hại các loài hoang dã để bảo tồn đa dạng sinh học cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người. Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các công trình để có hiệu quả và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên; các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng./.
Thanh Thúy