Hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn bền vững

08:06, 12/06/2020

Hướng đến phát triển bền vững, thân thiện môi trường, tái sử dụng chất thải, phụ phẩm dư thừa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thời gian qua tỉnh ta đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh khuyến khích bà con nông dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín; thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải. Đặc biệt, nếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý có thể xử lý chất thải, xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng, an toàn, giúp tránh được những bấp cập trong tiêu hủy, chôn lấp, tiết kiệm chi phí và tránh gây ô nhiễm môi trường. 

Hộ chăn nuôi xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp.
Hộ chăn nuôi xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng các địa phương toàn tỉnh đã có nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: Sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; quản lý dịch hại tổng hợp IPM, canh tác lúa cải tiến; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý chất thải chăn nuôi... Tiêu biểu là mô hình sản xuất phân bón hữu cơ của xã Yên Cường (Ý Yên). Từ năm 2016, nhờ đồng thuận triển khai ý tưởng tái chế các sản phẩm phụ từ nông nghiệp làm phân bón của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã Yên Cường được tỉnh hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà ủ, mua máy chế biến nguyên liệu, máy xúc lật và giao cho Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường thành lập tổ dịch vụ sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, phân gà, lợn, bò. Đặc biệt, các hộ nông dân của 2 Hợp tác xã Nam Cường, Bắc Cường của xã đều được các chuyên gia Nhật Bản, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, cải tạo đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng, trả lại độ phì cho đất, kỹ thuật canh tác rau hữu cơ và rau an toàn. Nỗ lực đồng lòng của chính quyền, các hộ nông dân đã góp phần giúp lượng chất thải nông nghiệp được tái sử dụng làm phân bón của xã Yên Cường ổn định, đạt trên 100 tấn/năm, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng sạch hơn, vừa làm sạch môi trường. Tuy các mô hình, giải pháp tái chế chất thải, phế phụ phẩm được triển khai ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là các cơ sở, hộ gia đình còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng nên hiệu quả thực hiện của nhiều mô hình, giải pháp chưa cao. Bên cạnh đó, đa phần doanh nghiệp và các hộ nông dân còn thói quen cố hữu trong sản xuất, chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ một lượng phế thải lớn sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Để thúc đẩy các hộ nông dân, doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng chất thải, phụ phẩm dư thừa, hiện tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, nâng cao; Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phế phụ phẩm nông nghiệp; Sản xuất theo một chu trình khép kín, chất thải của quá trình sản xuất này sẽ làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác; Tập trung nguồn lực, hướng dẫn các chủ trang trại trong tỉnh xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học, an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp của tỉnh (trấu, mùn cưa, rơm, rạ, vỏ lạc,...) làm đệm lót sinh học; 100% chất thải của chu kỳ chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Trong năm 2020 ưu tiên triển khai chương trình hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh có diện tích đủ lớn để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học, tiết kiệm nước, không xả thải ra môi trường; ứng dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng cao. Dự kiến tổng vốn thực hiện chương trình là 12 tỷ 191 triệu đồng. Trong đó kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 tỷ 373,5 triệu đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2020 đã phân bổ cho Sở NN và PTNT; kinh phí đối ứng của các cơ sở tham gia xây dựng mô hình 8 tỷ 817,7 triệu đồng. Khi tham gia chương trình, các cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, lựa chọn cơ sở tham gia xây dựng mô hình; đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động của các cơ sở xây dựng mô hình; hỗ trợ kinh phí mua men vi sinh làm đệm lót; hỗ trợ kinh phí mua thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ Tổ công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giám sát tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá chất lượng dự án. Hiện Sở NN và PTNT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương xem xét, quyết định lựa chọn các cơ sở xây dựng mô hình. Theo quy định, cơ sở chăn nuôi tham gia xây dựng mô hình phải đáp ứng các điều kiện: Nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi của địa phương; đảm bảo đủ diện tích xây dựng chuồng trại khép kín, tối thiểu 2m2/con, mỗi mô hình tối thiểu 100 con; đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh hoặc đủ điều kiện để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; có đơn đăng ký thực hiện mô hình, có xác nhận của UBND cấp xã, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; có đủ nguồn lực đối ứng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa chuồng trại và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu của mô hình; cam kết duy trì mô hình tối thiểu 3 năm và tạo điều kiện cho công tác thông tin tuyên truyền, nhân rộng mô hình cho các cơ sở chăn nuôi khác cùng thực hiện. Tại các cơ sở được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình sẽ được hướng dẫn và giám sát; được bố trí lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để triển khai có hiệu quả mô hình; được tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình; hoàn chỉnh các giải pháp kỹ thuật, duy trì và nhân rộng mô hình cho các trang trại chăn nuôi lợn thịt trên toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com