Là địa bàn ven biển nên huyện Giao Thủy thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Vì vậy, huyện xác định công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự chủ động trong phòng ngừa và xử lý sự cố thiên tai, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các công trình thủy lợi và hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn.
Xử lý nâng cấp hệ thống đê, kè biển huyện Giao Thủy. |
Huyện Giao Thủy có gần 32km bờ biển, hơn 11km đê sông Hồng và 8,7km đê sông Sò. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn có đê, trong đó có 9 xã, thị trấn ven biển và gần 4.000ha nuôi thủy sản mặn, lợ; đồng thời có 944 nhà đầm, chòi canh ngao và 951 tàu, thuyền tham gia khai thác thủy hải sản trên biển. Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, năm nay huyện có 3 trọng điểm phòng, chống lụt bão cấp huyện, gồm: Cống Cồn Năm tại Km217+69 trên tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Giao Hương; đoạn từ Km12+954 đến Km13+884 và cống Cát Đàm trên tuyến đê tả Sò thuộc địa bàn thị trấn Quất Lâm. Để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện tàu, thuyền hoạt động an toàn và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN từ huyện đến cơ sở, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí thành viên Ban chỉ huy và giao chỉ tiêu “4 tại chỗ” cho các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, các xã, thị trấn và xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến; phương án bảo vệ từng trọng điểm. Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến xử lý các tình huống thiên tai cụ thể, sát thực tiễn tại địa phương của các cấp, ngành, nhất là chính quyền cơ sở, huyện đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức diễn tập thực địa PCTT và TKCN tại các xã Giao Phong, Giao Xuân. Các tình huống diễn tập như: xử lý mạch sủi phía trong thân đê, nước tràn mặt đê, sơ tán và di dân vào khu vực an toàn để tránh bão, siêu bão gặp triều cường dâng cao… đã được các lực lượng tham gia diễn tập xử lý nhanh, gọn và đạt yêu cầu đề ra. Tháng 3-2020, UBND huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai Luật Phòng, chống thiên tai, các luật và văn bản liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cùng các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về công tác PCTT và TKCN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND huyện về nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2020, ngoài việc tập trung chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, UBND xã đã chỉ đạo Đài Truyền thanh thường xuyên phát nội dung tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về PCTT và TKCN cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, huyện lồng ghép các nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu, PCTT vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường; chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10-CT/UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi. Theo đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã phối hợp với UBND các xã triển khai lực lượng, phương tiện và tiến hành giải tỏa toàn bộ cây xanh trồng trên mái đê, hành lang bảo vệ an toàn đê sông, đê biển tại các xã: Hồng Thuận, Giao Hương, Giao Thiện; chỉ đạo khắc phục những vi phạm của 2 hộ nuôi thủy sản tại xã Giao Long; tổ chức ra quân thu dọn rác thải trên mái, thân các tuyến đê sông, đê biển. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Đài Truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên đưa tin dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn của cơ quan chuyên ngành; thông báo diễn biến của bão, lũ trên các tuyến sông, trên biển; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để các địa phương và nhân dân có thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh khi có bão, áp thấp nhiệt đới và có mưa, lũ xảy ra; sẵn sàng thông báo cho các chủ tàu, thuyền, người dân đang canh coi trên các chòi canh thủy sản và các hộ nuôi thủy sản tại khu vực cửa sông, ven biển chủ động vào đất liền tránh, trú bão, lũ an toàn. Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho hơn 1.500 người dân về đánh giá rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho 20 cán bộ làm công tác PCTT và TKCN của huyện và các xã, thị trấn; phối hợp chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ xây dựng các tài liệu truyền thông, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCTT và TKCN phù hợp với từng đối tượng vùng, miền phát tới từng hộ dân để tuyên truyền. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo lồng ghép tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro thiên tai đối với học sinh, đặc biệt là rủi ro đuối nước trong mùa mưa, lũ; cắm biển cảnh báo tại một số vị trí có nguy cơ xảy ra thiên tai. Giao Thủy cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành của cộng đồng trong việc PCTT và TKCN của người dân đã được huyện Giao Thủy quan tâm thực hiện. Đây là cơ sở để huyện thực hiện ứng phó một cách chủ động, hiệu quả với các tình huống thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, bão, lũ đối với đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại