Giảm nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách

08:06, 11/06/2020

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước xuyên suốt quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện các chủ trương trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã không ngừng nỗ lực “tích góp” từng đồng vốn nhỏ đem đến cho người khó khăn, mang lại hiệu quả to lớn về xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Từ nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện, ông Trần Tiến Duật, xóm La Đồng, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã đầu tư đàn vịt đẻ để tăng thu nhập cho gia đình.
Từ nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện, ông Trần Tiến Duật, xóm La Đồng, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã đầu tư đàn vịt đẻ để tăng thu nhập cho gia đình.

Từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng mục tiêu đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; làm kinh tế hộ. Nguồn vốn cho vay chủ yếu tập trung vào các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giúp ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống. Hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt cho những người khó khăn, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng đời sống người dân. Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh, trong 5 năm qua, đã có 12.786 lượt hộ nghèo, 29.429 lượt hộ cận nghèo, 13.843 hộ mới thoát nghèo và 75.329 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 19.434 hộ thoát nghèo và cận nghèo; giải quyết thêm việc làm cho 5.683 lao động. Qua đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư vào sản suất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, làm giàu tại quê hương mình, góp phần thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm cả về số lượng và tỷ lệ (đầu năm 2016 số hộ nghèo là 33.864 hộ, tỷ lệ 5,7%; đến cuối năm 2019 số hộ nghèo chỉ còn 9.943 hộ, tỷ lệ 1,53%). 

Đáng kể nhất phải nói đến chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, qua 5 năm triển khai, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 12.786 lượt hộ nghèo với số tiền 538,4 tỷ đồng; doanh số thu nợ 615,7 tỷ đồng. Đối với hộ cận nghèo, từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 29.429 lượt hộ được vay vốn với số tiền 1.329 tỷ đồng; doanh số thu nợ 806 tỷ đồng. Không chỉ hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo cũng được quan tâm từ Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục được hỗ trợ về vốn giúp cho các hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm tiếp tục được vay vốn lãi suất thấp để đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2016-2020, đã có 13.843 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền 644,5 tỷ đồng, doanh số thu nợ 261,4 tỷ đồng. Đến 31-3-2020 dư nợ đạt 473,6 tỷ đồng, tăng 383,1 tỷ đồng so với 31-12-2015, dư nợ bình quân 47,5 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng còn góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. 5 năm qua, ngoài nguồn vốn của Trung ương, Ngân hàng CSXH tỉnh đã được ủy thác từ ngân sách địa phương các cấp nguồn vốn để cho vay tạo việc làm với 4.860 khách hàng vay số tiền 190,1 tỷ đồng; thu hút, tạo việc làm mới, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.683 lao động. Dư nợ đến 31-3-2020 của chương trình đạt 118,4 tỷ đồng, tăng 45,3 tỷ đồng so với 31-12-2015, với 2.978 khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách không chỉ nhằm nâng cao về thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, mà còn nhằm quan tâm cải thiện chất lượng đời sống người dân nghèo vùng nông thôn. Đã có 66.280 hộ gia đình được vay số tiền 1.004,6 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 66.276 công trình nước sạch, 66.257 công trình vệ sinh; doanh số thu nợ 563,8 tỷ đồng. Dư nợ đến 31-3-2020 đạt 1.062,7 tỷ đồng, tăng 440,7 tỷ đồng so với 31-12-2015, với 72.376 hộ đang vay vốn. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH tỉnh luôn duy trì đáp ứng nhu cầu vốn cho 100% các hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn giải quyết khó khăn (xây mới, sửa chữa) về nhà ở, giải ngân được 9,6 tỷ đồng cho 384 hộ làm nhà ở. Tổng dư nợ của chương trình đến 31-3-2020 là 28,9 tỷ đồng (theo Quyết định 167 là 19,5 tỷ đồng, theo Quyết định 33 là 9,4 tỷ đồng). Con em các gia đình chính sách cũng được hỗ trợ chắp cánh ước mơ tới trường, duy trì sự nghiệp “đèn sách”. Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 3.458 hộ được vay vốn với số tiền 170 tỷ đồng giúp cho 3.801 học sinh, sinh viên (HSSV) có điều kiện đến trường học tập, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ “Không để một HSSV nào vì khó khăn về tài chính phải bỏ học”. Dư nợ đến 31-3-2020 đạt 190,5 tỷ đồng, giảm 448,2 tỷ đồng so với 31-12-2015, với 6.836 HSSV của 6.215 hộ gia đình được vay vốn. Các chương trình khác như cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nhà ở xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo chính xác, kịp thời, bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khắc phục rủi ro, khôi phục sản xuất. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã khoanh nợ cho 8 món vay, với số tiền 290 triệu đồng; xóa nợ cho 263 món vay, với số tiền 3 tỷ 47 triệu đồng. Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ta đã thực sự trở thành đòn bẩy, động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân tự tin hơn trong quá trình vươn lên thoát nghèo toàn diện, chung tay cùng với cộng đồng phát triển kinh tế địa phương, từ người yếm thế trở thành nông dân chuẩn nông thôn mới. 

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chủ trương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng CSXH; tăng cường bổ sung nguồn vốn uỷ thác của địa phương để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH. Phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính  trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận vốn tín dụng với chất lượng tín dụng tốt. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1% tổng dư nợ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com