Doanh nghiệp tận dụng thời cơ phục hồi sản xuất

08:06, 26/06/2020

Do dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu đầu vào, không xuất được sản phẩm dẫn đến phải thu hẹp hoặc sản xuất cầm chừng; toàn tỉnh có 377 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh (số liệu thống kê của UBND tỉnh). Doanh nghiệp khó khăn dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là lao động các ngành dệt may, dịch vụ, vận tải. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hết tháng 5-2020 ước tính có 3.000 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 3.000 lao động phải ngừng việc và hơn 4.000 người phải làm việc luân phiên. Với các doanh nghiệp còn thêm nỗi lo mất nguồn lao động đã có kỹ năng ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất khi tình hình thị trường khôi phục khả quan. 

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy.
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy.

Đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp đã nỗ lực xoay xở chuyển đổi mặt hàng, tận dụng mọi cơ hội để giữ thị trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bố trí việc làm cho người lao động, nổi bật là chuyển sang mục đích sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó Mỹ, EU... là những thị trường đang có nhu cầu cao. Theo anh Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty CP Dệt may Đức Anh (KCN Hòa Xá): Dịch COVID-19 khiến toàn bộ hệ thống 36 cửa hàng phân phối các sản phẩm thời trang nam mang thương hiệu DARVIN của Công ty giảm lượng hàng tiêu thụ ở mức cao, hàng tồn kho nhiều. Để ổn định việc làm cho gần 200 lao động, Công ty đã nhanh chóng tiếp cận đối tác, chuyển hướng sản xuất đa dạng các mặt hàng mới gồm: khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động y tế xuất khẩu. Đặc biệt, xác định muốn chiếm được thị trường thì chất lượng sản phẩm mới là yếu tố then chốt để chinh phục đối tác và phát triển cơ hội mới nên mặc dù khó khăn nhưng Công ty đã thực hiện nghiêm ngặt các hệ thống quy chuẩn kiểm soát, nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của các thị trường khó tính nhất. Nhiều tháng nay, sản phẩm khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế của Công ty đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, châu Âu số lượng lớn. Công nhân Công ty phải làm việc tăng ca; xây dựng thêm một xưởng sản xuất mới tại thôn An Lão, huyện Bình Lục (Hà Nam); đồng thời hợp tác, chia sẻ đơn hàng với một số doanh nghiệp may nội tỉnh. Nhờ đó Công ty không chỉ đảm bảo việc làm cho người lao động, tăng cao thu nhập (bình quân 6-15 triệu đồng/người/tháng) ngay trong giai đoạn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn mà còn mở ra cơ hội hợp tác cung ứng sản phẩm dài hơi. Nhiều doanh nghiệp dệt may của tỉnh cũng đã tìm cách vượt khó bằng các sản phẩm mới, thị trường ngách; bám sát dự báo của Bộ Công Thương để chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường sau đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia thị trường, dự báo khả năng tổng cầu thế giới năm 2020 của ngành hàng dệt may giảm 20-25% nhưng vẫn thuộc nhóm các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, dệt may sẽ là một trong các nhóm hàng hoá có thể phục hồi sớm, nhất là các mặt hàng nằm trong phân khúc cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và có nhu cầu tiêu dùng chính trong quý III, IV-2020. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản được tỉnh xác định là một trong những nhóm doanh nghiệp trọng điểm, được các ngành chức năng đẩy mạnh hỗ trợ nên ngay sau giai đoạn giãn cách xã hội các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đưa các sản phẩm thủy sản chủ lực chất lượng cao của tỉnh như cá bống bớp, tép sấy khô, cá đao, cá mực, cá thu vào nhóm hàng xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng và đảm bảo các điều kiện theo đúng hướng dẫn của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cụ thể để các mặt hàng có thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng 3 yêu cầu: sản phẩm được sản xuất tại cơ sở sơ chế, chế biến nằm trong danh sách xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc; bao gói, nhãn mác phải có đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc; sản phẩm phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. 

Nỗ lực tận dụng thời cơ, phục hồi, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp đã góp phần ổn định việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và giảm bớt gánh nặng trợ cấp của Nhà nước. Trong bối cảnh chung của đại dịch, sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh vẫn tăng trưởng, thể hiện sự sát sao của các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng như nỗ lực của doanh nghiệp đồng lòng vượt qua khó khăn, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. So với năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 5,21% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 35.318 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 905 triệu USD, bằng 41,1% kế hoạch năm và tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tập trung rà soát, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhất là nhóm doanh nghiệp dệt may, chế biến xuất khẩu nông sản. Hướng các doanh nghiệp biến thách thức thành động lực để phát triển; bản thân các doanh nghiệp tích cực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ động tiếp cận, tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được coi là “thời cơ vàng” gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com