Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng lớn do dịch bệnh COVID-19, nhất là vận tải hành khách. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang “gồng mình” để ứng phó với tình hình kinh doanh khó khăn.
Xe khách tuyến Nam Định - Hà Nội của Công ty CP Đầu tư Liên hiệp Vận tải Hà Nam Ninh giảm đến 50-60% lượng khách/chuyến. |
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), từ đầu năm đến trước ngày 1-4-2020 hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô của các đơn vị kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng hành khách đi xe tuyến cố định giảm mạnh, số lượng khách xuất bến giảm 60% và số lượng chuyến xe giảm 25% so với trước thời điểm trước khi công bố dịch. Đối với hoạt động vận tải khách bằng xe buýt dù lượng khách giảm trên 30% vẫn phải duy trì 100% số chuyến. Hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và du lịch hầu như không có do thời điểm dịch bùng phát phải thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc, các hoạt động du lịch tham quan lễ hội phải dừng hẳn. Hoạt động vận tải hàng hóa cũng giảm mạnh do phần lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu có đường biên giới chung với Trung Quốc. Trong gần hết tháng 4-2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND tỉnh dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt trên địa bàn tỉnh Nam Định, trừ trường hợp đặc biệt; các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ vận tải đã nghiêm túc chấp hành chủ trương giãn cách xã hội theo chỉ đạo. Từ ngày 30-4-2020, hoạt động vận tải hành khách công cộng được phép hoạt động trở lại với 100% số chuyến nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch về số lượng hành khách trên mỗi chuyến; thực hiện sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện (hành khách ngồi cách nhau 1 ghế hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m). Đại diện Công ty CP Đầu tư Liên hiệp vận tải ô tô Hà Nam Ninh cho biết: Doanh nghiệp hiện có 11 xe chạy cố định; trong đó có 10 xe 29 chỗ chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và 1 xe 45 chỗ chạy tuyến Nam Định - Hải Phòng. Thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, từ ngày 1 đến 23-4-2020, toàn bộ hoạt động vận tải của Công ty tạm dừng; từ ngày 23 đến 30-4 khôi phục một phần nhỏ hoạt động vì lượng khách sử dụng dịch vụ ít; từ ngày 30-4 đến trước ngày 7-5 hoạt động bình thường nhưng chấp hành chủ trương phòng, chống dịch bệnh nên mỗi chuyến xe chỉ nhận khách tối đa một nửa số ghế ngồi. Như vậy, mỗi chuyến xe tuyến Nam Định - Hà Nội nếu đủ 14 khách Công ty lỗ khoảng 30% (tương đương 450-500 nghìn đồng/chuyến), còn nếu chỉ dưới 10 khách/chuyến thì thiệt hại đến 45-50%. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Bến xe khách Nam Định cho biết: Từ ngày 30-4 đến nay, nhìn chung là các xe luôn ở trong tình trạng không có khách. Đặc biệt các tuyến cố định trước đây có tần suất hoạt động cao đi các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng thì nay lượng khách giảm đến 50-60%; số chuyến hàng ngày giảm đến trên 60%. Ngày 3-5 vừa qua, tổng cộng có 57 chuyến xe (loại từ 29-45 chỗ ngồi) xuất bến đến 17 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng chỉ được 268 hành khách. Có 5 chuyến xuất bến xe không, 2 chuyến xuất bến với chỉ duy nhất 1 khách; 24 chuyến xe xuất bến với chỉ 2-5 hành khách trên xe. Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định gặp khó khăn, các loại hình vận tải khác như xe buýt, tắc-xi cũng bị ảnh hưởng lớn bởi các diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua. Các đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải hành khách công cộng không chỉ thiệt hại nặng nề về doanh thu mà còn phải thêm gánh nặng đảm bảo đời sống của người lao động do doanh nghiệp không đủ doanh thu để chi trả lương hàng tháng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định dù phải xuất bến với xe không hoặc chỉ có vài khách vẫn phải chấp nhận bù lỗ duy trì chạy để giữ nốt, giữ khách. Hầu hết doanh nghiệp vận tải đều phải vay ngân hàng để đầu tư phương tiện nên đang chịu áp lực rất lớn về lãi suất và lộ trình trả nợ ngân hàng. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận được khoản hỗ trợ này. Ngoài áp lực về trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp còn phải lo các khoản phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng… dù phương tiện không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp vận tải, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, Sở GTVT đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan chức năng theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, đề xuất các bến xe trên địa bàn chủ động nghiên cứu, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ khác trong bến xe từ nay đến hết năm 2020, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, bù đắp doanh thu. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan thuế, tài chính địa phương và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại, báo cáo đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực vận tải đường bộ bằng xe ô tô. Trước mắt, Sở GTVT chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe; nghiên cứu phương án đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ về tài chính như: giãn nộp thuế; các loại bảo hiểm xã hội; lãi suất vay ngân hàng, giảm mức thu phí bảo trì đường bộ cho phương tiện, giảm lệ phí xe vào bến… Thực hiện tốt việc bình ổn giá, hỗ trợ giá nhiên liệu, các yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng dịch: phun thuốc khử trùng, cung cấp thông tin, tập huấn kiến thức để hạn chế nguy cơ lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh.
Để hoạt động vận tải diễn ra được an toàn đi đôi với đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Sở GTVT cũng chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng của Công an tỉnh giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải khách; tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm./.
Bài và ảnh: Thành Trung