Những năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định, tạo nền tảng vững chắc để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi; tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn khiến sản xuất lúa, màu đứng trước những rủi ro cao hơn… Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức với các giải pháp căn cơ. Nhờ đó kinh tế nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và an sinh xã hội.
Công ty TNHH Rau quả Ngọc Anh (Trực Ninh) nhân rộng mô hình trồng dưa lưới trong nhà. |
Hiện nay, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bố trí cơ cấu giống phù hợp diễn biến thời tiết, thị trường tiêu thụ, tăng cường kiểm soát dịch bệnh và hội nhập quốc tế. Năm 2019, các địa phương đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, cây màu, tập trung cải tạo cơ cấu giống và áp dụng các quy trình thâm canh mới để nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao; các tổ chức, cá nhân tham gia thuê gom, tích tụ ruộng đất với diện tích đất canh tác đạt trên 2.000ha. Điển hình như: Công ty TNHH Cường Tân 565ha, Công ty VinEco 140ha, Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc 100ha, Công ty CP Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường 35ha, Hợp tác xã Thanh niên Tân Tiến 14ha, Công ty CP Rau Ngọc Anh 10ha… để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Nhờ đó, cơ cấu ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp có sự thay đổi rõ nét, tỷ trọng sản phẩm gạo chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng, cá, rau quả các loại tăng rõ rệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, thị trường trong nước và một phần phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong sản xuất lúa, các địa phương đã tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, ít nhiễm sâu bệnh và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo khép kín gắn với xây dựng thương hiệu như: Gạo sạch Toản Xuân, gạo tám xoan Hải Hậu; tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 50% diện tích năm 2014 lên 71,5% diện tích năm 2018, năm 2019 đạt trên 72%; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10%; tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 70% sản lượng gạo thương phẩm, góp phần nâng cao giá trị thu nhập bình quân trên mỗi ha đất canh tác. Diện tích chuyên sản xuất lúa, rau màu, cây dược liệu không ngừng tăng; chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về cách thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi khép kín. Ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao được mở rộng, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học đã bước đầu hình thành và đang được phổ biến nhân rộng. Trong thủy sản, các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp được người dân lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn. Các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... gắn với quản lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm được người dân áp dụng trong các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ với các doanh nghiệp như: Công ty VinEco, Công ty CP Rau quả Ngọc Anh, Tập đoàn Lenger, Công ty TNHH Biển Đông, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân... UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, gia trại liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi áp dụng công nghệ cao và hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp từng bước được hình thành góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, đàn gia cầm duy trì ổn định số lượng, sản lượng thịt hàng năm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các địa phương tập trung phát triển và triển khai mạnh mẽ chương trình phát triển nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, cơ cấu các đội tàu có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng dần loại tàu có công suất lớn khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có 2.136 tàu, thuyền khai thác, trong đó tàu có chiều dài từ 12-15m là 383 chiếc, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 586 chiếc. Các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá sản xuất trên biển đã được tổ chức bài bản, khoa học theo mô hình hợp tác phát triển các tổ, đội hợp tác nghề cá thu hút đông đảo ngư dân, chủ tàu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển, đảm bảo chủ quyền an ninh, quốc phòng biển, đảo và an toàn cho ngư dân. Công tác bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tiếp tục được tăng cường; nuôi thủy sản nội đồng được điều chỉnh cơ cấu hợp lý, phát triển bền vững; hình thành các vùng nuôi tôm, ngao tập trung, an toàn dịch bệnh… Công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, việc trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng phát triển theo hướng thâm canh, các địa phương đã tích cực triển khai phát triển rừng ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, góp phần nâng cao hiệu quả phòng hộ bảo vệ an toàn hệ thống đê, kè biển. Tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển ngành muối chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, cải tạo nâng cấp đồng muối và tạo điều kiện để diêm dân sản xuất muối sạch nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập. Kết quả xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến căn bản vùng nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải tạo, nâng cấp theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo.
Với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM phồn thịnh và văn minh, tỉnh ta tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Tập trung sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phục vụ chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi tạo sản phẩm an toàn; chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì hợp lý tỷ lệ chăn nuôi nông hộ. Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản; phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản; tập trung nâng cao chất lượng khai thác, tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tổ hợp tác, liên kết chuỗi, giảm khai thác ven bờ. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Tập trung xây dựng nông thôn, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Văn Đại